04.5.2020 – THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan. (Ga 10,11-18)
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đoạn Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay được ví như lời tuyên ngôn của Đức Giê-su về sứ mạng và tư cách của người mục tử. Chân dung của người mục tử được Đức Giê-su phác họa ngắn gọn bằng từ “nhân lành”.
Động từ ‘biết” diễn tả mối tương quan giữa Mục tử và đàn chiên được đặt ngang hàng với mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Sự gần gũi và liên kết mật thiết giữa Ngôi Cha và Ngôi Con đã được Chúa Giêsu lấy làm khuôn mẫu cho sự liên kết của Ngài với chúng ta: Ngài biết rõ chúng ta và Ngài cũng muốn tỏ cho chúng ta thấu biết Ngài cách sâu xa như vậy.
Tuy nhiên, Đức Giê-su không dừng lại ở việc “biết”, Ngài còn nhấn mạnh và khẳng định căn tính của người mục tử nhân lành đó là đức hy sinh: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Ngài đã sống căn tính đó bằng cuộc khổ nạn và chết trên thập giá, để đổi lấy sự sống đời đời cho tất cả chúng ta.
Trước khi về trời, Đức Giê-su đã trao phó đoàn chiên lại cho môn đệ Ngài là Phê-rô sau 3 lần hỏi và lời đáp với cùng một nội dung: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”[1] Như thế, Ngài đòi hỏi nơi những người mục tử nối tiếp của Ngài phải có một tình yêu và sự hy sinh dành cho đàn chiên giống như Ngài.
Không chỉ chăm sóc và giữ gìn đàn chiên, người mục tử còn phải mang lấy tâm tình của Mục Tử Giêsu để đi tìm kiếm những con chiên khác và đưa chúng về đàn: ‘Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về”[2]. Đó chính là sứ vụ truyền giáo mà các tông đồ đã thực hiện ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội. Thế nhưng, đã hai nghìn năm từ lệnh truyền của Thầy Giê-su: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”[3], vẫn còn đó hàng tỉ người chưa nhận biết Tin mừng. Giáo hội vẫn cần nhiều hơn các thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa được sai xuống thế gian trong thân phận con người để ở giữa đoàn chiên, người mục tử cũng được sai đi đến với các dân tộc. Sứ mạng của người mục tử là sứ mạng của người được sai đi. Người mục tử cần gần gũi để biết rõ chiên của mình, phải chấp nhận mang vào mình mùi chiên như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, và dám hy sinh tính mạng vì đàn chiên.
Trong cơn đại dịch Covid-19, tại Ý và Tây Ban Nha đã có hơn 200 linh mục qua đời. Các ngài đã dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên khi thi hành sứ mạng chăm sóc các tín hữu bị nhiễm bệnh, để rồi cũng bị lây nhiễm và chết như họ. Đó là một tổn thất nặng nề đối với Giáo Hội theo cái nhìn hữu hình, nhưng đối với Thiên Chúa, chắc chắn các ngài đã diễn tả được hình ảnh của người Mục Tử Giêsu đã chết vì đàn chiên của mình.
Cùng với Mục Tử Giêsu, Mẹ Maria vẫn luôn quan tâm chăm sóc từng người chúng ta với tình yêu và sự thấu cảm của tình mẫu tử. Trong suốt dòng lịch sử, Mẹ cũng luôn mời gọi những con chiên lạc và dẫn dắt về với Giáo Hội: Alphongse Ratisbone[4], Roy Schoeman, nguyên giáo sư đại học Harvard[5]… và còn biết bao người khác nữa đã được Mẹ biết đến, yêu thương và ban ơn dẫn dắt về với Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi gần gũi với những người chưa biết Chúa, sống xa cộng đoàn giáo xứ, để nhờ sự quan tâm chân thành, giúp họ trở về với đời sống của Giáo Hội.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa gìn giữ Giáo hội, gìn giữ các mục tử và gìn giữ chúng con, đặc biệt trong cơn đại dịch này. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/620963395433512)
[1] Ga 21,16
[2] Ga 10,16
[3] Mt 28, 19
[4]www.archivioradiovaticana.va/storico/2006/05/06/theo_kitô_giáo_nhờ_ảnh_vảy_phép_lạ
[5] https://www.maikhoi.net/2019/12/giao-su-vo-than-cua-dai-hoc-harvard-da-thot-len-duc-me-rat-dep-mot-ve-dep-khong-loi-nao-dien-ta-duoc.html