fbpx

Bài suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh

28.4.2019       CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – C
KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
“Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.”


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 20,19-31)
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Việc Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án tử hình thập giá thực sự đã gây chấn động mạnh mẽ đến cả đoàn môn đệ cũng như các tông đồ. Phản ứng đầu tiên của các ông là chạy trốn, rồi khi tìm về với cộng đoàn thì đóng kín cửa “vì sợ người Do-thái”, cũng không dám mở cửa lòng để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh thấu hiểu nỗi lo sợ và bất an của các môn đệ. Do đó, món quà đầu tiên Ngài ban tặng cho họ là chính Ngài cùng với Sự Bình An: “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Thế là hết lo sợ. Có Chúa, là có Bình an. Nhưng, Bình an được ban cho lại xuất phát từ các thương tích của Chúa: “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.”[1]

Rồi liền sau đó, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Sự Bình an và Niềm vui luôn có tính lan tỏa, mà nguyên lý để lan tỏa lại là chính Thánh Thần. Niềm vui và Bình An cũng luôn có mặt cùng với sự tha thứ, với ơn tha tội, và Chúa Phục Sinh cũng trao ban sứ mạng ấy cho các Tông Đồ – đó là tác vụ của Hội Thánh.

Việc Chúa Phục Sinh hiện đến, trao ban Bình An và tỏ cho môn đệ xem các vết thương của Ngài là một cách tỏ lộ mầu nhiệm của Lòng Thương Xót. Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Thiên Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho ông (bà, anh, chị, con) ơn tha thứ và bình an…”[2] Đó là công thức quen thuộc mà chúng ta vẫn được nghe nơi tòa cáo giải, cho ta biết hoạt động của Lòng Thương Xót luôn là một hoạt động chung của Ba Ngôi: khởi phát từ Chúa Cha, nhờ công nghiệp của Chúa Con và được thực hiện trong Chúa Thánh Thần.

Lòng Thương Xót là “phẩm tính độc quyền” của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng ngay từ đầu công trình cứu độ, Thiên Chúa đã mời Đức Maria cộng tác. Hơn ai hết, Mẹ là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt về Lòng Thương Xót, cũng như chính Mẹ được đích thân góp phần vào việc mạc khải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua việc nối kết chặt chẽ với hy tế Thập giá của Chúa Giêsu trên Núi Sọ.[3]

Qua sứ điệp của mẫu Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, đặc biệt nơi mặt trái của mẫu Ảnh[4], Đức Maria – Mẹ của Lòng Thương Xót – vẫn tiếp tục mặc khải cho chúng ta về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa mà Mẹ được tham dự cách đặc biệt. Mẹ luôn chuyển cầu cho chúng ta mọi ơn. Và chính mỗi người chúng ta – trong sự hiệp thông với Giáo Hội – cũng được Chúa Phục Sinh ban Thánh Thần và sai đi làm chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa đến khắp cùng thế giới.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Khi thực thi Lòng Thương Xót, chúng ta làm cho tha nhân cảm nhận được sự dịu hiền và gần gũi của Thiên Chúa, và là một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh thờ ơ đang lan tràn trong thế giới ngày nay.[5]

Cùng với Mẹ, tôi sẽ thực thi Lòng Thương Xót bằng cách:

– Quan tâm nhiều hơn, mau mắn chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh, cách riêng những người nghèo khổ.

– Luôn vui tươi và tạo bầu khí vui vẻ cho mọi cuộc gặp gỡ.

– Biết đón nhận những khó khăn trong cuộc sống để kết hiệp với hy tế của Chúa Giêsu, biết cảm thông và sẵn sàng tha thứ, vì chính tôi cũng luôn cần được Chúa thứ tha.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin dạy con biết sống như Mẹ, có con tim thấu cảm những nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần của tha nhân, để tìm cách hỗ trợ cách tốt nhất có thể.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] 1 Pr 2,24
[2] Công thức tha tội – http://tinmung.net/NGHITHUC/NghiThucBiTichHoaGiai/CongThucThaToi.htm
[3] Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chương V, số 9.[4]https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me
[5]Thực thi các công việc của lòng thương xót mỗi ngày là làm cách mạng- http://conggiao.info/thuc-thi-cac-cong-viec-cua-long-thuong-xot-moi-ngay-la-lam-cach-mang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *