27.10.2020 – THỨ BA Tuần XXX TN
Tin Mừng theo thánh Lu-ca. (Lc 13,18-21)
“Nước Thiên Chúa giống cái gì?”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!
Để chuẩn bị đến định cư tại một vùng đất mới hay một quốc gia mới, ai cũng muốn biết trước về nơi mà mình sẽ đến: nơi đó như thế nào? Dân cư ở đó sống ra sao? Họ dùng ngôn ngữ gì? Văn hóa và phong tục tập quán ở đó có dễ thích nghi không?…
Cũng thế, “Nước Thiên Chúa” chính là “điểm hẹn” cuối cùng của cuộc đời mỗi người chúng ta. Nơi đó, Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta một chỗ cư ngụ trong tình yêu thương của Người. Chính vì thế, để chúng ta khỏi ngỡ ngàng khi bước vào vương quốc tình yêu ấy, Chúa Giêsu đã mặc khải Nước Thiên Chúa bằng rất nhiều dụ ngôn, để diễn tả một thực tại mà trí khôn hạn hẹp của chúng ta khó có thể hình dung được.
“Nước Thiên Chúa giống cái gì?” (c.18b) Qua hai dụ ngôn vô cùng gần gũi và dễ thương, được coi là cặp dụ ngôn song sinh, bởi cả hai dụ ngôn này cùng diễn tả một ý nghĩa duy nhất. Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa.
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện hạt cải người kia lấy gieo trong vườn mình”. Hạt thì rất nhỏ, nhưng mọc thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ, cư ngụ trên cành nó. Đây là loại cải của người Do Thái, khác với rau cải của chúng ta. Ta có thể hình dung đến “cây trứng cá” của Việt Nam vậy: hạt bé li ti, nhưng cây thì lớn và thân cứng, chim chóc có thể đậu trên cành được. Mầm sống thì nhỏ nhoi, nhưng sự phát triển thì không ngờ.
Chúa còn ví Nước Thiên Chúa như nắm men bé xíu được vùi vào ba thúng bột. Số men thì ít ỏi so với khối bột, nhưng có sức tác động làm cho cả khối bột lớn dậy men. Cũng như hạt cải có mầm sống là sức mạnh nội tại, thì men cũng có sức mạnh nội tại là khả năng tác động đến môi trường xung quanh và làm cho các thúng bột dậy men. (Men ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực, là men tốt, khác với men Biệt phái và men Pharisêu mà Chúa Giêsu đã lên án nhiều lần trong Tin Mừng).
Qua hai dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu được ý nghĩa và sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa. Chúng ta không nên đánh giá nơi này-nơi kia; việc này, người nọ là tầm thường, không đáng kể… Vì với những ai để cho sức mạnh của Nước Thiên Chúa chi phối, mọi sự đều có thể và đều trở nên lớn lao, vĩ đại. Qua đó, chúng ta cũng cần biết trân trọng người khác và chính bản thân, không tự ti mặc cảm về công việc, gia cảnh hay quê quán của mình. Hãy mở lòng để cho sức mạnh của Nước Thiên Chúa chiếm hữu và tác động qua chúng ta. Chính sức mạnh của Thiên Chúa biến đổi những điều không thể trở nên có thể và làm cho những điều tầm thường trở nên phi thường.
Trong Tin Mừng Gioan, Nathanael đã chẳng ngần ngại nói rằng: “Từ Nadareth, làm sao có cái gì hay được?”[1] Thế nhưng, Nazareth là nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người chọn làm quê hương trần thế của mình. Chính Đức Maria, người thiếu nữ đơn sơ làng Nazareth đã tự xưng mình là “nữ tỳ hèn mọn” của Thiên Chúa, đã để cho Chúa hoàn toàn sử dụng mình theo ý Chúa. Maria đã được biến đổi trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, được đầy tràn ân sủng và trở nên khuôn mẫu cho tất cả mọi công dân Nước Thiên Chúa.
Mẹ Maria yêu thích tìm kiếm và gần gũi những người nhỏ bé khiêm tốn: Chị Catherine Labouré, Bernadette, ba trẻ nhỏ tại Fatima… và với ơn Chúa tác động, những con người bé nhỏ tầm thường ấy đã trở nên những vị thánh.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Trân trọng chính mình và mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và kém cỏi.
- Làm những công việc tầm thường, nhỏ bé với tình yêu lớn.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con hiểu được giá trị cao quý và sức mạnh nội tại của Nước Trời, để chúng con không ngừng làm cho những giá trị ấy trổ sinh những hoa trái tốt lành, dù chúng con có phải chấp nhận những hy sinh và từ bỏ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/744000749796442)
[1] Ga 1,46