MỪNG SINH NHẬT THỨ 386 CỦA
TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN
1633 – 29.11 – 2019
“Chúa Quan Phòng đã qui tụ tất cả 12 chị em lại đây với mục đích là để chị em tôn kính cuộc sống của Ngài ở trần gian xưa kia.
Ôi còn gì hữu ích bằng khi được ở trong một cộng đoàn,
vì điều tốt đẹp mà toàn thân có được, thì mỗi cá nhân đều được hưởng nhờ!”[1]
Các bạn thân mến,
Cha Vinh Sơn đã nói những lời này khi Tu Hội Nữ Tử Bác Ái được 8 tháng tuổi, trong một buổi huấn đức cho các chị em lúc đó, Cha Vinh Sơn đã nói đến mục đích của Tu Hội. Trong những lần sau, ngài thường kể lại nguồn gốc ban đầu để xác định ai là tác giả của Tu Hội:
“Chính Chúa đã thành lập Tu Hội của chị em, điều ấy không thể chối cãi được. Phần tôi, than ôi, tôi cũng chẳng hề nghĩ tới. Người đầu tiên làm công việc đó là một thiếu nữ miền quê (chị Marguerite Naseau). Chị là một người chăn bò và đã tự học đọc trong khi ngồi chăn bò, thỉnh thoảng học thêm nhờ những người qua lại có dáng vẻ biết đọc, sau đó chị tự học một mình và nhờ ơn Chúa, cuối cùng chị đã học được.”[2]
Chị Marguerite Naseau,
người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, do Thiên Chúa gửi đến.
Hơn nữa, khi đã biết đọc, chị lại quyết tâm dạy lại cho người khác. Chị đi tới Paris tìm gặp cha Vinh Sơn và xin được đi theo cha để dạy lại cho các thiếu nữ khác. Khi thấy có nhu cầu mang thuốc men và thức ăn tới nhà cho các bệnh nhân nghèo khổ, chị tình nguyện làm công việc này. Chị rất hạnh phúc với công việc phục vụ đi đi-lại lại như vậy và truyền cảm hứng cho các bạn gái khác. Nhiều bạn đi theo chị, thế là nhóm này từ từ đông lên.
Tuy họ rất hăng say với việc thăm viếng và phục vụ người nghèo, nhưng họ lại rất cần được đào tạo để làm tốt hơn về mọi mặt. Cha Vinh Sơn tìm người đảm trách và thấy không ai khác cho bằng bà Louise de Marillac, đang là cộng tác viên của cha, có thể làm tốt công việc này. Từ năm 1630, bà đồng hành với các thiếu nữ dấn thân trong các công tác bác ái.
Căn nhà của bà quá nhỏ, nên người ta đã cấp cho bà và các chị em một căn khác. Bà đã qui tụ chị em vào ngày 29.11.1633. Cha Vinh Sơn thường xuyên đến huấn đức cho chị em và trao đổi với bà Louise về cộng đoàn đang thành hình này.
Cha Vinh Sơn rất trung thực khi nói: “Thiên Chúa đã muốn đích thân qui tụ chị em lại một cách thật huyền nhiệm và tuyệt vời…Vì thế, có ai dám nghi ngờ Chúa không phải là tác giả của Tu Hội này?”[3]. Chính Thiên Chúa đã muốn thành lập tu hội này với mục đích là để các Nữ Tử Bác Ái tôn kính cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô khi ngài còn ở trần gian: yêu thương và cứu giúp những người nghèo khổ về thể xác và tinh thần.
Chính vì thế, ban đầu các chị chăm sóc bệnh nhân nghèo ngay tại nhà họ, dần dần, theo nhu cầu, các chị chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, dạy dỗ các bé gái nghèo về nhân bản và giáo lý, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, những người già neo đơn, người mất trí và nhiều hạng người khác nữa…
Chỉ 19 năm sau, năm 1652, đã có lời mời gọi các Nữ Tử Bác Ái đi ra khỏi ranh giới nước nhà (Pháp), để đến phục vụ tại Ba Lan. Lúc đó, cha Vinh Sơn và mẹ Louise nhận thấy các chị em còn ít và non trẻ, nhưng các ngài xác tín Đức Ái của Chúa Kitô thì không có biên giới, nên các ngài tin tưởng và quyết định gửi đi một nhóm chị em đầu tiên.
Từ đó đến nay, đã gần 4 thế kỷ, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã hiện diện ở khắp 5 năm châu và luôn luôn “trở về nguồn”, để được thu hút bởi những cảm hứng và trực giác của các Đấng Sáng Lập. Như vậy, Tu Hội luôn lắng nghe những tiếng kêu của người nghèo và cùng nhau tìm cách đáp ứng, với một niềm tín trung và một thái độ sẵn sàng luôn được đổi mới[4].
Riêng tại Việt Nam, ba chị Nữ Tử Bác Ái người Pháp đầu tiên đã đến và phục vụ tại bệnh viện Gia Định (bệnh viện Nhân Dân-Gia Định ngày nay). Đáp lời mời của Đức Cha Isidore DUMORTIER, Giám Mục của Giáo Phận Sàigòn thời đó. Gương sống chứng nhân Đức Ái của các chị đã thu hút được nhiều thiếu nữ Việt Nam đi theo linh đạo Vinh Sơn để dâng mình cho Chúa và cùng nhau phục vụ Chúa Kitô nơi những anh chị em bất hạnh. Cho đến nay, các Nữ Tử Bác Ái đang hiện diện-phục vụ khắp 3 miền đất nước trong rất nhiều lãnh vực: xã hội, y tế, giáo dục, mục vụ…
Các bạn thân mến,
Thế giới càng văn minh tiến bộ thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng lớn, những người cần phải được giúp đỡ về thể xác cũng như tinh thần ngày càng nhiều và đa dạng. Vì thế, cần lắm những thiếu nữ tình nguyện dấn thân phục vụ Chúa Kitô nơi tha nhân. Tu Hội chúng tôi rất mong ước được đón nhận các bạn thiếu nữ để cùng với chúng tôi thi hành sứ mạng cao cả này, vì phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa Kitô.
Xem thêm: https://gdanhducmebanon.org/2019/05/26/707/ngay-cau-cho-on-goi-12-5-2019-2/khong-phan-loai
[1] Cha Thánh Vinh Sơn, BNC 31.7.1634
[2] Nt. BNC 25.12.1648
[3] Nt.
[4] X. Sắc lệnh Dòng Tu, số 2