THẾ GIỚI TRONG TAY ĐỨC MẸ
Các bạn thân mến,
Còn 5 tháng nữa là kỷ niệm 190 năm Đức Mẹ hiện ra với chị Catherine Labouré tại 140, phố Bắc, Paris, nước Pháp (1830 – đêm 18 rạng 19 – 2020).
Không nhiều thí ít, các bạn đã biết câu chuyện lịch sử rất đẹp này (Xem Đức Mẹ hiện ra lần thứ 2: http://bit.ly/38bt4gm ). Trong tâm tình tri ân Thiên Chúa đã gửi Đức Maria đến với chúng ta, mà chị Catherine Labouré là người được diễm phúc tiếp đón Mẹ và truyền đạt sứ điệp của Mẹ cho chúng ta. Chúng ta cùng chiêm ngắm Mẹ trong tư thế Mẹ cầm quả cầu trên tay, đó là cả thế giới và từng người chúng ta để tiến dâng cho Thiên Chúa.
Thật vậy, trong năm 1830, Đức Mẹ đã hiện ra với chị Catherine Labouré lần thứ nhất vào đêm 18 rạng 19 và lần thứ hai vào chiều 27.11.
Khi hiện ra lần thứ hai – chị Catherine Labouré thuật lại: “Mẹ đứng trên một quả cầu. Dưới gót chân, một con rắn đốm xanh và vàng đang quằn quại. Hai tay Người cầm một quả cầu bằng vàng trên đó có gắn một thánh giá. Người ngước mắt lên trời với dáng điệu tiến dâng. Khi ấy gương mặt Đức Mẹ xinh đẹp vô cùng, con không thể tả được. Thình lình con trông thấy những chiếc nhẫn nạm kim cương trên các ngón tay Đức Mẹ tỏa sáng ra. Quả cầu vàng trên tay Người biến đi và Đức Mẹ cúi đầu, hạ nhẹ đôi cánh tay để rọi sáng quả cầu dưới chân Người”[1].
Thật tuyệt vời tình Mẹ của chúng ta, phải không các bạn!
Từ ngày nhận lấy sứ mạng LÀM MẸ NHÂN LOẠI qua lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.”Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”[2] Đức Mẹ luôn luôn thực hiện sứ mạng làm mẹ cách chu đáo, tận tình: đưa các con đến với Thiên Chúa để Ngài nhìn đến các thực tại của các con mà yêu thương và tuôn đổ hồng ân của Ngài, rồi lại cũng chính Mẹ đón nhận những ơn đó và chuyển đến các con: Đức Mẹ là máng thông ơn Thiên Chúa, cầu cho chúng con!
Hơn nữa, qua 20 thế kỷ nay, đã nhiều lần Mẹ không quản ngại từ trời cao đến với con cái nơi này, nơi khác, cách riêng tại 140 phố Bắc Paris; sau đó là Lộ Đức, gần hơn nữa là Fatima, để chung vui, sẻ buồn; thấu cảm và khuyên nhủ các con biết nhìn nhận tội lỗi mà thật lòng sám hối, dốc lòng đi theo đường lối của Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ xót thương và thứ tha hết, chúng con sẽ được đẹp lòng Thiên Chúa và sống bình an hạnh phúc.
Ngoài ra, Mẹ còn ban cho những phương thế cụ thể hữu hiệu để con cái sử dụng mà đi đến với Thiên Chúa, như đeo Ảnh Phép Lạ và cầu nguyện theo lời kinh Mẹ dạy[3], lần hạt Mân Côi, ăn chay, sám hối qua việc xưng tội-rước lễ…
Chúng ta còn nhớ: Đức Mẹ hiện ra tại 140, phố Bắc năm 1830, để ban Ảnh Phép Lạ và dạy con cái cầu xin Mẹ với tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, như dấu chỉ của lòng tin yêu để được nhậm lời. Thật đúng như lời Mẹ hứa, chỉ hai năm sau, có rất nhiều nạn dịch xảy ra tại Pháp, cách riêng đầu tháng 3 năm 1832 có nạn dịch tả đã giết chết khoảng 20.000 người. Đức Tổng Giám Mục Paris lúc đó ra lệnh đúc thật nhiều Ảnh và phổ biến cho dân chúng đeo Ảnh và đọc câu kinh “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ” với tất cả lòng tin-cậy-mến. Thật tuyệt vời! Khi Ảnh vừa được phân phối, người ta nhận Ảnh cách trân trọng, đeo vào cổ và chăm chỉ cầu nguyện, ăn năn sám hối. Có nhiều cuộc hoán cải lạ thường, nhiều ơn chữa lành bệnh, cách riêng nhiều người đã được cứu thoát khỏi cơn dịch tả thời đó.
Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay đang phải đối diện với nhiều đại dịch tinh thần cũng như thể xác: xúc phạm đến Thiên Chúa qua những hành động lộng ngôn, phạm thượng, phạm thánh, đốt phá những nơi thờ phượng, áp bức những người tôn thờ Thiên Chúa… các cơn dịch trên người, động vật cũng như thực vật, cụ thể nhất và kinh khủng nhất là đại dịch hiện nay do virus Corona gây ra… Qua các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta biết con số người nhiễm bệnh và người chết ngày càng gia tăng, sinh hoạt thường ngày trong xã hội bị xáo trộn, gây ra nhiều khó khăn cho các gia đình và mọi người; cụ thể là học sinh-sinh viên phải ngưng đến trường và những hệ quả của việc này sẽ thật khó lường!…
Các nhà lãnh đạo các quốc gia chỉ có thể ra những quy tắc để phòng tránh dịch bệnh, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được thuốc đặc trị cho người bị nhiễm virus cũng như vắc-xin chích ngừa, đội ngũ y-bác sĩ dần kiệt sức và đã 6 bác sĩ vĩnh viễn ra đi. Nhiều người bị cách ly lại tìm cách trốn khỏi vùng dịch, đem nguy cơ dịch bệnh đến những nơi khác…Cả một thế giới to lớn đều xôn xao náo động chỉ vì con virus nhỏ xíu này!!!
Có thể nói: con người đã chạm tới mức giới hạn và đối diện với sự bất lực của chính mình. Do đó không biết phải xử lý ra sao! Điều đó nhắc chúng ta hồi tưởng lại các biến cố trong lịch sử của dân Do thái, khi cả dân tộc phải đối diện với những nguy cơ bị tru diệt, cách riêng biến cố nổi cộm được kể đến trong sách Ét-te[4]. Mỗi lần như thế, họ đều ý thức do tội lỗi của mình gây ra là đã bỏ Thiên Chúa mà đi thờ các tà thần. Vì thế, họ đã quyết định trở về với Thiên Chúa, được thể hiện qua việc cùng nhau ăn chay cầu nguyện, sám hối, xin Chúa dủ lòng xót thương và cứu vớt họ; rồi cậy nhờ uy thế của hoàng hậu Ét-te xin với nhà vua tha chết cho họ. Vua Asuêrô nổi tiếng là nghiêm khắc, không vị nể ai và sẵn sàng trừng trị hay giết chết kẻ nào làm phật lòng ông. Thế nên hoàng hậu Ét-te đã rất run sợ, bà cầu xin với Chúa:
“Con cô đơn, xin đến cứu giúp con.
Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa !”[5]
Sau đó, bà vào chầu vua để chuyển cầu cho Dân. Trước vẻ kiều diễm, sự não nùng và sự tha thiết của hoàng hậu Ét-te, ông đã mủi lòng lắng nghe lời xin của bà mà tha chết cho Dân Do thái.
Ngày nay, thảm họa Covid-19 cũng đang đưa cả thế giới đi dần vào suy tàn, sức cùng, lực kiệt. Chúng ta cùng chạy đến với Mẹ Maria, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Bởi vì Mẹ luôn đẹp lòng Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã muốn đặt Mẹ làm Đấng chuyển cầu cho chúng ta. Mẹ đã dâng cả thế giới và từng người chúng ta cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ, thực thi lời Mẹ dạy: “Ngài bảo gì, các con cứ việc làm theo.”[6] Nghe lời Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau ăn chay cầu nguyện, sám hối và sửa đổi đời sống, tiếp tục làm Tuần Cửu Nhật để khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa đến với mỗi người chúng ta và toàn thế giới.
[1] Đức Mẹ và thánh Catherine Labouré , trang 29
[2] Ga 19, 26-27
[3] Câu kinh: Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[4] Et 3,15-4,17
[5] Et 4,17
[6] Ga 2,5