fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – KỶ NIỆM 190 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA VỚI CHỊ CATHERINE LABOURÉ

KỶ NIỆM 190 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA
VỚI CHỊ CATHERINE LABOURÉ
1830-2020

DIỄN NGUYỆN HAI CUỘC HIỆN RA

LẦN I: ĐÊM 18 RẠNG NGÀY 19.7.1830

 

  • Dấu Thánh Giá.
  • Hát : Kinh Chúa Thánh Thần, Lạy Mẹ Maria VNNT…

 

MC 1:    Kính thưa cộng đoàn, năm 1847 Đức Thánh Cha Pio IX đã ban sắc lệnh, nhìn nhận chính thức sự hiện diện của Giới Trẻ Con Đức Mẹ.

Từ đó Hiệp Hội này đã phát triển trên khắp thế giới và hiện có mặt tại 64 quốc gia. Tại Việt Nam Giới Trẻ Con Đức Mẹ chính thức được thành lập vào ngày 07/9/1932 do 3 Nữ Tử Bác Ái người Pháp đầu tiên đến truyền giáo. Theo dòng thời gian Giới Trẻ Con Đức Mẹ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành, trở nên những cánh tay nối dài để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trong Giáo Hội tại Việt Nam. Được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp này, GTCĐM giáo xứ Bình Lợi, Gp. Sàigòn đã từng bước lớn lên theo linh đạo CĐM và đã được khai nhụy, đơm hoa, kết trái trong tâm hồn nhiều bạn trẻ, cụ thể là nơi các bạn đang hiện diện tại đây, lúc này.

MC 2: Xin chúc tụng Chúa và cám ơn Đức Mẹ đã làm những điều kỳ diệu nơi các người trẻ chúng con!

Nhưng trước hết chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lần Đức Mẹ hiện ra với chị thánh Catherine Labouré, một nữ tu thuộc Tu Hội “Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn”; để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc của Giới Trẻ Con Đức Mẹ và những thông điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn gửi đến nhân loại qua Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Một cách đặc biệt, năm nay toàn thể GTCĐM mừng 190 năm kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra với chị Catherine Labouré và 40 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô hành hương tới nhà nguyện Ảnh Phép Lạ, 140 phố Bắc, Paris, nơi Đức Mẹ đã hiện ra, dịp kỷ niệm 150 năm. 

Kể chuyện 1: Ngày 03.5.1806, từ nơi lầu chuông nhỏ bé của nhà thờ Fain-les-Moutiers, nước Pháp, vang lên những tiếng chuông báo cho dân cư trong vùng biết: hài nhi Catherine, con gái thứ chín của gia đình LABOURÉ vừa sinh ra hôm qua, được nhập vào đại gia đình Giáo Hội.

Các nông dân trong làng không ngờ rằng đến ngày 27.7.1947,  cũng tiếng chuông ấy sẽ ngân lên để đáp lại tiếng chuông của Tòa Thánh Rôma báo tin cho khắp thế giới biết ngày hôm nay, Giáo Hội phong hiển thánh cho Catherine Labouré, người con gái thánh thiện của giáo xứ này.

CẢNH 1:

Kể chuyện 2: Vừa lên chín tuổi Catherine đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Ai có thể đoán được nỗi đau thương của cô bé rất trìu mến mẹ? Catherine chỉ nín lặng và các bà láng giềng tưởng cô bé không biết đau buồn nên họ bảo nhau: “Mới có chín tuổi thì làm sao nó hiểu được”. Nhưng ngoài dự đoán của mọi người, Catherine đã hiểu và hiểu rất sâu xa, nên đã trèo lên ghế với lên nóc tủ thờ, ôm lấy tượng Đức Mẹ và thưa: “Mẹ ơi, từ nay xin Mẹ là mẹ của con nhá!”.

Thời gian thấm thoát trôi qua! Cô bé Catherine trở nên một thiếu nữ, tuy không có sắc đẹp yêu kiều nhưng rất xinh và duyên dáng với đôi mắt màu thiên thanh. Cô có cái nhìn rất trong sạch, dịu dàng vừa thẳng thắn, vừa trầm ngâm rất đáng yêu. Sức khỏe cô rất dồi dào nên từ lâu cô đã cho chị giúp việc nghỉ và hai chị em cô đảm nhiệm tất cả công việc nhà.

Kể chuyện 1: Với ước nguyện được dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa, cô đã phải hy sinh nhiều thứ và kiên nhẫn chờ đợi sự chấp thuận của cha. Ông Labouré, tuy không muốn mất đứa con gái thứ hai nữa, nhưng cuối cùng ông đã nhượng bộ Thiên Chúa. Ngày 30.01.1830,  Catherine đã được bà chị dâu Hubert đưa vào nhà Thử / Chuẩn Viện của Tu Hội Nữ Tữ Bác Ái Thánh Vinh Sơn tại Châtillon.

Sau ba tháng ở nhà Thử, Catherine từ giã viện Châtillon lên đường đi Paris để vào Tập Viện của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái , tại 140 phố Bắc, Paris. Một điều kỳ diệu là biến cố chị được gia nhập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái lại trùng hợp với ngày di chuyển hài cốt của thánh Vinh Sơn (ngày 24.6.1830) về nhà mẹ của Tu Hội Truyền Giáo gần đó  (Xem thêm “DI CHUYỂN HÀI CỐT THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ” )  nên chị Catherine Labouré được phép đi tham dự lễ hội này trong 3 ngày liên tiếp. Trong dịp này chị được thị kiến nhìn thấy trái tim thánh Vinh Sơn 3 lần.

Sau đó chị lại được Đức Mẹ hiện ra cho chị đêm 18 rạng 19.7 . Vì Đức Mẹ yêu cầu, chị phải thưa với cha giải tội. Nhưng, sau khi nghe chị trình bày các sự việc trong tòa giải tội, Cha Aladel rầy chị và nói: “Sau trái tim thánh Vinh Sơn và Chúa Giêsu là vua, bây giờ lại đến việc Đức Mẹ hiện ra! Cha không muốn con có những mơ tưởng hão như thế!”.

 Nhưng sau đó, Cha lại buộc chị viết ra những điều đã thấy và nghe trong đêm 18 rạng ngày 19/7.

Cảnh 2:

MC1:          Đây là điều chị thuật lại:

Catherine:  Chiều ngày áp lễ thánh Vinh Sơn (thời đó mừng lễ thánh Vinh Sơn vào ngày 19.7), Bà Mẹ Martha, Giám Đốc Tập Viện giảng cho chúng con nghe về sự tôn sùng Đức Mẹ khiến cho con có lòng ao ước trông thấy Người. Con đi ngủ với ý tưởng đêm nay con sẽ thấy Mẹ hiền của con vì từ lâu con mong được trông thấy Người. Mẹ Giám Đốc có cho chúng con một mảnh thánh tích áo choàng của thánh Vinh Sơn, con cắt một nửa và nuốt đi hy vọng thánh Vinh Sơn xin cho con được thấy Đức Mẹ. Vào hồi 23g30  con nghe gọi tên:

Thiên Thần: Chị Labouré! chị Labouré!
Catherine : Con giật mình tỉnh dậy nhìn ra nơi có tiếng kêu, con kéo rèm và trông thấy một đứa bé độ bốn, năm tuổi bảo con:
Thiên Thần: Hãy đến nhà nguyện, Đức Mẹ chờ chị.”
Catherine:Nhưng mà người ta sẽ nghe tiếng chân tôi”.
Thiên Thần: Hãy yên tâm, đã 23g30, mọi người đều ngủ say. Tôi chờ chị!”.
Catherine: “Con vội vàng mặc áo và tiến về phía đứa trẻ đang đứng trước đầu giường con. Con đi theo đứa trẻ ấy, đến đâu thì ánh sáng tỏa ra làm cho con ngạc nhiên hết sức. Nhưng con còn ngạc nhiên hơn nữa khi đến trước nhà thờ đứa bé vừa đặt tay lên cửa thì cửa ấy mở ra ngay và tất cả đèn trong nhà thờ đều bật sáng lên làm cho con nhớ đến lễ nửa đêm. Nhưng con không thấy Đức Mẹ đâu cả.

Đứa bé dắt con đến cung thánh kế bên ghế của Cha Bề Trên Dòng, và con quỳ nơi đây, đứa trẻ vẫn đứng. Con thấy hơi lâu nên nhìn lên lầu hát xem các chị canh đêm có đi qua hay không.”

MC 2: Khi ấy đứa bé cho hay:

Thiên Thần: Đây, Đức Mẹ đây này!
Catherine: Con nghe như có tiếng sột soạt của tà áo lụa và Đức Mẹ hiện ra khoác chiếc áo màu hồng nhạt. Người ngồi trên ghế của Cha Bề Trên kế nhà tạm. Chỉ trong một bước là con đến bên Người và quỳ xuống, đặt hai tay lên gối Đức Mẹ; nơi đây con đã hưởng giây phút êm dịu nhứt đời con. Con không thể tả….Đức Mẹ nói:
Đức Mẹ:     Này con, Chúa muốn giao cho con một sứ mệnh, con sẽ chịu nhiều nỗi ưu phiền nhưng con hãy cố gắng vượt qua và con nên nghĩ điều ấy sẽ làm sáng danh Chúa. Con sẽ bị phản đối, nhưng ơn Chúa sẽ giúp con, chớ nên sợ hãi! Hãy thưa với Cha linh hướng những điều con thấy và nghe trong giờ nguyện gẫm. Thời cuộc rối loạn,  nhiều tai họa sắp giáng xuống nước Pháp, ngai vua sẽ bị lật đổ, thế giới sẽ lâm cơn nguy biến. Trong những cơn buồn phiền con hãy đến bên chân bàn thờ này, nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người đến cầu xin, dù là người quyền quí hay thấp hèn… Hãy nói với Cha Linh Hướng phải tổ chức một hội đoàn mang danh ‘Con Đức Mẹ’. Chính Cha sẽ là người sáng lập và điều khiển hội đoàn này.”
Catherine: “Con ở đấy không biết bao lâu, con chỉ biết khi Đức Mẹ đi, tất cả ánh sáng đều tắt. Khi ấy đứa bé nói:”
Thiên Thần: Người đã đi!

 

  • Hát: TC 106 ( CĐM tay cầm nến thắp sáng tiến lên quỳ xung quanh bàn thờ, các tham dự viên khác nữa…)

CHỦ TỌA:  Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thật là vui, vì được quy tụ nơi Đức Mẹ  hẹn gặp chị Catherine, là chính  tại cung thánh của nhà nguyện. Đây quả thật là ĐIỂM HẸN đẹp nhất, vì nơi đây hằng ngày vẫn tái diễn hy tế của Chúa Giêsu, để cứu chuộc chúng con. Chúng con biết và tin chắc rằng Chúa đang nhìn chúng con một cách trìu mến. Chúng con thật hạnh phúc!

Rồi khi chị Catherine được gặp Mẹ tại nhà nguyện, Mẹ lại tâm sự với chị về những vui buồn của cuộc sống trong nhà Dòng Nữ Tử Bác Ái cũng như ngoài xã hội và dạy chị những phong cách sống cho đẹp lòng Chúa và đúng với giáo huấn của các Đấng sáng Lập. Đối diện với những đau thương buồn phiền gặp phải trong ngày, Đức Mẹ không nói Chị phải tránh né, chạy trốn; nhưng dạy Chị can đảm tìm đến NHÀ CHẦU, nơi hiện diện thật sự và luôn mãi của Chúa Giêsu Thánh Thể, để được an ủi và kín múc được nguồn sức mạnh nơi Ngài.

Những đau thương trong đời sống xã hội luôn gây ra nhiều cảnh nghèo cùng cực về vật chất cũng như tinh thần. Thế giới càng văn minh về khoa học kỹ thuật thì càng tiết ra những dạng nghèo khổ mới như các loại nghiện ngập, phá thai, buôn bán người, buôn bán nội tạng…Mẹ lại dạy Chị đến ĐIỂM HẸN của những con người khốn khổ này để phục vụ, vì họ là hiện thân của Chúa Giêsu Thánh Thể: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

MC 1:         Giờ đây, trong tinh thần hiệp nhất yêu thương với tất cả các bạn trẻ CĐM trên thế giới, cũng như với tất cả các thành viên của GĐVS, chúng con dâng lên Chúa lòng mến yêu tôn thờ, với niềm xác tín Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì tình thương bao la Chúa muốn “ở lại”với chúng con qua Bí tích Nhiệm Mầu này. Xin cho chúng con cũng yêu thích “ở lại”với Chúa.

MC 2:         Mẹ Maria dạy chúng con trong những cơn buồn phiền con hãy đến bên chân bàn thờ này, nơi đây sẽ tuôn ra nhiều hồng ân cho mọi người đến cầu xin. Giờ đây, xin Chúa nâng đỡ chúng con trước những gánh nặng lo âu của cuộc sống, để qua những giây phút sống thân tình với Chúa, chúng con sẽ tìm được nguồn an ủi và bổ dưỡng cho cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày biết dành thời giờ  để đến gặp gỡ Chúa nơi Bàn Tiệc của Chúa. Vì chỉ nơi đây chúng con mới thực sự được no thỏa cõi lòng và lãnh nhận được những ơn cần thiết cho cuộc sống làm con của Chúa.

(Thinh lặng ít phút)

  • Cầu nguyện bộc phát: “   Hãy đến dưới chân bàn thờ này!’’

Lạy Chúa , xin chúc tụng Chúa, vì lời mời gọi của Đức Maria, Mẹ Chúa, xin lắng nghe lời chúc tụng của mỗi người chúng con khi đến gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện và nơi Bí Tích Thánh Thể.

Đáp: Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu xin Chúa thương nhậm lời chúng con.

  • Lần lượt mỗi bạn trẻ nói lên tâm tình của mình, (Nhớ có lời cầu nguyện cho các anh chị em sống đời nghèo khổ, cách riêng tại địa phương này).
  • Các tham dự viên khác…

CHỦ TỌA: Lời nguyện kết:

Lạy Chúa, qua Đức Trinh Nữ Maria, Chúa đã ban tặng cho nhân loại kho tàng cứu độ muôn đời, là Đức Giêsu Kitô. Cách đây 190 năm, Chúa còn gửi Mẹ Maria tới dạy dỗ chúng con, qua Chị Catherine Labouré, và qui tụ chúng con thành đoàn con riêng của Mẹ.

 Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin cho chúng con biết yêu mến và siêng năng đến với CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ như chị Catherine Labouré, biết sống liên đới với nhau và cùng nhau thăm viếng-phục vụ NGƯỜI NGHÈO để làm cho vinh quang Chúa được tỏa sáng.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu KiTô Chúa chúng con. Amen!

MC 1:         Mời cộng đoàn đứng

              Hát : Lời Kinh Con Đức Mẹ.


LẦN II: CHIỀU 27.11.1830

MC 1:

Sau những giây phút hạnh phúc được gặp Đức Mẹ đêm 18.7, chị Catarina phải gặp Cha Linh Hướng trong tòa giải tội để trình bày với ngài về cuộc hiện ra này và những gì Đức Mẹ yêu cầu, nhưng ngài không tin. Thời gian trôi qua, chị Catarina sống lặng lẽ trong Tu Viện không ai để ý đến chị vì người ta biết chị thất học nên liệt chị vào hạng quê mùa, mặc dù chị có đôi mắt đẹp trong xanh phản chiếu sự thanh khiết của linh hồn. Nào ai có biết chị nữ tu ít học ấy, ngày qua ngày, sống trong sự chờ đợi Đấng Khiết Trinh, vì Người hứa sẽ gặp lại chị.

MC 2:

Thu đã bắt đầu tàn, chị Catarina nóng lòng chờ đợi nhưng vẫn chưa thấy điều gì. Thì đây, vào hồi 5g chiều, ngày thứ bảy 27.11.1830, trong lúc các nữ tu đang nguyện gẫm trong Nhà Nguyện, một sự im lặng hoàn toàn bao trùm không gian này; thình lình chị Catherine Labouré   lại nghe tiếng sột soạt của tà áo lụa. Đây ta hãy nghe chị kể lại:

KỂ CHUYỆN:

Con nghe có tiếng động trên lầu, bên tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu, như tiếng sột soạt của chiếc áo lụa, con nhìn lên thì nhận ra Đức Mẹ đang đứng nơi đó. Người mặc áo màu hồng nhạt đứng trên một quả địa cầu. Dưới gót chân một con rắn đốm xanh và vàng đang quằn quại. Hai tay người cầm một quả cầu bằng vàng trên có gắn một thập giá. Người ngước mắt lên trời với dáng điệu tiến dâng. Khi ấy gương mặt Đức Mẹ xinh đẹp vô cùng con không thể diễn tả được. Thình lình con trông thấy những chiếc nhẫn nạm kim cương trên các ngón tay Đức Mẹ tỏa ánh sáng ra. Quả cầu vàng trên tay người biến đi và Đức Mẹ cúi đầu, hạ nhẹ đôi cánh tay để rọi sáng quả cầu dưới chân người. Khi ấy con không biết con ở đấy hay không có ở đấy nữa. Con nghe có tiếng nói: “Quả cầu mà con thấy là thế giới, các tia sáng là những ân huệ được ban cho kẻ nào cầu xin Mẹ. Đoạn xung quanh Đức Mẹ, một tấm ảnh hình bầu dục từ từ hiện thành, trên có dòng chữ ‘LẠY MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘi, XIN CẦU CHO CHÚNG CON HẰNG CHẠY ĐẾN KÊU XIN MẸ”.

Lại có tiếng nói trong trẻo và rõ ràng:Hãy cho đúc một tấm ảnh như thế này, tất cả những ai mang Ảnh với lòng cậy trông và đọc câu kinh này cách sốt sắng sẽ được Mẹ che chở cách riêng và hưởng nhiều trọng ân.”

Sau đó, Tấm Ảnh xoay lại và con thấy bề trái của tấm ảnh có chữ M aria viết tắt, chữ M trên có một thập giá và dưới là hai quả tim. Một quả tim của Chúa Giêsu với  vòng gai bao chung quanh và một quả tim của Đức Mẹ bị lưỡi gươm xuyên qua. Một vòng 12 ngôi sao bao chung quanh, tượng trưng cho Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập . Khi ấy con suy nghĩ phải để bề trái mẫu ảnh như thế nào thì con nghe có tiếng nói: “Chữ M và hai quả tim cũng đủ rồi.”

KỂ CHUYỆN 2:

Lần thứ ba Đức Mẹ hiện ra cho chị vào cuối tháng chạp. Lần này Đức Mẹ đứng sau lưng Nhà Tạm và chị Catherine Labouré  nói: “Đức Mẹ đẹp với tất cả sự xinh đẹp của người! Như lần trước, hai tay Đức Mẹ cầm quả cầu và từ nơi các ngón tay, những chiếc nhẫn nạm ngọc chiếu sáng khắp nơi. Lại cũng có tiếng nói: “Những tia sáng ấy là tượng trưng cho các ân huệ mà Mẹ ban cho những kẻ cầu xin Mẹ và những viên ngọc không tỏa sáng là những ơn người ta quên xin.”

(ngưng 30 giây)

MC1:

Kính thưa quí cha và cộng đoàn phụng vụ,

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời

(Ga 3, 16).

Thánh sử Gioan đã khẳng định chân lý này: mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương nhận làm con và xóa bỏ án chết, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng để sống tình nghĩa tử này với Thiên Chúa là Cha, chúng ta cần lãnh nhận ơn Chúa, được ban cho qua bàn tay từ mẫu của Mẹ, vì Mẹ là “máng thông ơn Thiên Chúa”. Chính vì thế, Mẹ luôn giang đôi tay đón tiếp các con để an ủi vỗ về và ban cho các con QUÀ TẶNG Ảnh Phép Lạ này, như bằng chứng tình yêu và lòng thương xót của Mẹ cho tất cả những ai đeo Ảnh và đọc câu kinh Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ  với lòng tin kính và yêu mến.

Chúng ta hãy đến lãnh nhận QUÀ TẶNG CỦA MẸ, và để Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Ghi chú:
Ban tổ chức cần chuẩn bị trước các Ảnh Phép Lạ đã được làm phép và có dây đeo, để trong mâm và có người bưng. Ai muốn lãnh Ảnh Phép Lạ thì đi tới để nhận và có người đeo vào cổ cho họ, không nên phát đại trà. Trước khi đeo vào cổ, xin người đó đọc câu kinh Đức Mẹ dạy, khi đã đeo Ảnh vào cổ rồi thì hôn Ảnh như dấu hiệu đón tiếp Đức Mẹ vào nhà mình.


Đọc thêm:
Giáo Sư Vô Thần Của Đại Học Harvard Đã Phải Thốt Lên: Đức Mẹ Rất Đẹp!
Một Vẻ Đẹp Không Lời Nào Diễn Tả Được!

Trang tin Shalom World có cuộc phỏng vấn với Roy Schoeman, nguyên giáo sư đại học Harvard, về việc ông gia nhập Công giáo. Giáo sư chuyên ngành thương mại tiết lộ về một chuỗi những gặp gỡ thần bí đã dẫn đưa ông đến với Công giáo, gồm có những kinh nghiệm thân tình nhận được từ Đức Trinh Nữ Maria.

Giáo sư Schoeman cho biết, ông đã trở nên một người vô thần hồi học đại học sau khi từ bỏ đức tin Do-thái giáo. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, sự trống rỗng của thuyết vô thần chỉ khiến cho lòng ông khắc khoải thêm mà thôi.

Trong video dưới đây, giáo sư Schoeman mô tả cuộc gặp gỡ với Đức Trinh Nữ Maria đã khiến ông mong cầu tìm đến cùng với Công giáo.

“Tôi đi ngủ và cảm giác có một bàn tay nhẹ nhàng đụng vào vai và đánh thức tôi, dẫn tôi đến một căn phòng rồi để lại tôi một mình ở đó cùng với một người phụ nữ đẹp, đẹp hết mức theo những gì tôi có thể tưởng nghĩ ra được,” giáo sư Schoeman bắt đầu kể. “Tôi biết ngay dù không được giới thiệu rằng, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.”

“Khi nhận ra mình đang ở trước nhan của Người, tôi chỉ muốn biểu tỏ ra bên ngoài sự ngưỡng kính của mình thôi. Thực ra, ý nghĩ xuất hiện đầu tiên trong đầu tôi lúc đó là, “Chúa ơi, ước gì mình biết đọc Kinh Kính Mừng.” Nhưng tôi đâu có thuộc.

Giáo sư cho biết, sau đó Đức Maria gợi ý sẽ trả lời các câu hỏi của ông.

Ông nói, “Thoạt tiên tôi có ý xin Người dạy tôi đọc Kinh Kính Mừng… nhưng vì quá kiêu hãnh nên tôi không thể nhận là mình không biết đọc kinh ấy được. Bởi vậy, như một cách gián tiếp để Người có thể dạy tôi Kinh Kính Mừng, tôi hỏi đâu là kinh nguyện Người ưa thích. Người có vẻ hơi e lệ, nhưng rồi cũng trả lời, câu đầu tiên là, “Ta ưa thích tất cả mọi kinh nguyện.”

Nhưng tôi cố tỏ ra là mình có lý, nên bảo, “Chắc hẳn phải có những kinh nguyện được ưa thích hơn những kinh nguyện khác chứ!’”

Giáo sư Schoeman kể, Đức Maria cho ông biết, kinh nguyện ưa thích của Người là “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.” (Đây là kinh mà Đức Mẹ đã dạy cho thánh nữ Catherine Labouré.)

Giáo sư kể tiếp, “Đêm đó, khi đi ngủ, tôi thực sự không biết gì về Trinh Nữ Maria cả… Tôi không biết gì về những điều mà Người đã mạc khải cho tôi qua kinh nghiệm ấy.”

“Dù nhìn Người xinh đẹp tuyệt mỹ – một vẻ đẹp không thể tả xiết – giọng Người thậm chí còn tuyệt vời hơn. Đó là chất giọng mang hồn nhạc, uyển chuyển, du dương.

“Khi Người cất tiếng, chất giọng mỹ miều ấy thấm vào tôi, mang theo bao nhiêu là trìu mến từ Người, vậy là tôi ngất ngây rồi đi vào trạng thái xuất thần, một trạng thái tuyệt vời hơn bất kỳ điều gì tôi có thể nghĩ tưởng được.”

Giáo sư Schoeman kể thêm, ngay khi tỉnh giấc, tâm lòng ông đã hoàn toàn thuộc về Đức Mẹ và ông “muốn thực sự trở nên một con người Kitô hữu trọn vẹn hết mức có thể”, và đó cũng chính là lý do dẫn đưa ông đến với Công giáo.

“Kinh nghiệm về Người cho tôi thấy rằng, tất cả các ân phúc từ trời đến với nhân loại đều được tuôn đổ qua Đức Trinh Nữ Maria.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *