05.4.2021 – THỨ HAI – TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,8-15
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Một vị linh mục sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại câu chuyện của một tài xế xe taxi ở đó như sau:[1]
Ngày nọ, tôi đón taxi từ khách sạn đi trung tâm thành phố để mua sắm quà lưu niệm. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giêsu, một ít sách truyện về các thánh… Tôi mở lời hỏi tài xế:
– Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?
– Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn mang về nhà nữa.
Tôi hỏi tiếp:
– Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách do bác giới thiệu?
– Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Do đó, đây là cách tôi làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu trong cuộc sống của tôi.
Bạn thân mến,
Cuộc sống của chúng ta cần phải chiếu tỏa niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh cho thế giới hôm nay, như lời Chúa Giêsu đã nói với các phụ nữ: “Về báo tin cho các anh em của Thầy để họ đến Galilê, họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Galilê chính là nơi lưu dấu những kỷ niệm đầu tiên của tình Thầy Trò, là quê hương của những người môn đệ mà từ đó, các ông đã nghe được Tiếng Gọi và dấn bước theo Thầy. Galilê hôm nay là cuộc sống hằng ngày với những cố gắng, thất bại, đắng cay, buồn vui với những “hoàn cảnh đặc biệt” và đặc thù của mỗi người, như câu chuyện của bác tài xế taxi trên đây.
Sau khi Phục Sinh, Đức Kitô đã gặp gỡ các tông đồ và các nữ môn đệ ngay trong hoàn cảnh sống của họ: trên đường đi, giữa lúc hội họp hay đang khi họ đang đánh cá. Cuộc gặp gỡ nào cũng có những riêng tư của nó: Chúa cất tiếng chào: “Chào chị em!”[2], Chúa gọi tên cô Maria cách thân mật, Chúa tỏ mình trên quãng đường cùng đi và qua việc bẻ bánh.
Như vậy, từ sau biến cố Phục Sinh, tất cả mọi sinh hoạt bình thường đều trở thành điểm hẹn để Chúa gặp gỡ con người bằng nhiều cách: mỗi biến cố, mỗi con người, qua gia đình, công việc… Nhưng để gặp được Ngài hay không còn tùy thuộc nơi mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chính chúng ta biết tìm kiếm để gặp Ngài. Chính Chúa Phục Sinh đã dành nhiều ưu ái và trân trọng các phụ nữ. Nhờ cảm nhận tình thương của ngài, các bà đã tự tin để bước vào hành trình loan báo Tin Mừng.
Phúc âm không nói gì về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ, nhưng chắc chắn Mẹ đã được gặp Chúa Phục Sinh ngay trong cuộc sống âm thầm của Mẹ. Vì hơn ai hết, Mẹ đã liên kết mật thiết với Chúa trong đau khổ và tận cùng là cái chết, thì khi Chúa Phục Sinh, Mẹ cũng sẽ là người được gặp Chúa trước tiên. Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là người đầu tiên được đón nhận ơn cứu độ do công nghiệp của Chúa[3].
Mẹ hằng “suy đi nghĩ lại” mọi biến cố trong cuộc sống, để tìm biết ý Chúa, và sống đẹp lòng Người. Mẹ luôn vui tươi đón nhận bổn phận cũng như những đau khổ xảy đến, như là quà tặng của Thiên Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi khám phá ra sự hiện diện của Chúa, nơi từng biến cố, từng sự việc trong cuộc đời.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết sống niềm vui Phục Sinh và đem niềm vui ấy chia sớt với mọi người trong cuộc sống. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/846499899546526)
[1] http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/chunhat/NamB/2011-2012/ChuaNhatPS3-ChaVang.htm
[2] Mt 28,
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đức_Mẹ_Vô_ Nhiễm_ Nguyên_ Tội