09.4.2021 – THỨ SÁU – TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Ga 21,1-14
“Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: ‘Chúa đó!” (Ga 21,7a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Những ai đi hành hương ở thánh địa Palestina đều không thể bỏ qua một địa điểm lừng danh là biển hồ Genneseret, cũng gọi là biển hồ Galilee hay Hồ Tiberias.[1] Trên biển hồ này, Ngài gọi các môn đệ đầu tiên, Ngài cho Simon mẻ cá lạ lùng khiến ông sợ hãi vì nhận ra Người là Đấng thánh và mình là kẻ phàm nhân tội lỗi; lần khác nữa Chúa cho ông đi trên mặt nước với Chúa sau phép lạ lớn lao hóa bánh ra nhiều… Vâng, biển hồ này đã ghi dấu biết bao kỷ niệm của Thầy và trò, nên khi Thầy không hiện diện bằng xương bằng thịt bên cạnh như trước, các môn đệ thấy cần trở lại bến xưa, vừa ôn lại ký ức, vừa để tìm lại ý nghĩa các sự kiện đã diễn ra mà đến lúc ấy các ông vẫn chưa hiểu hết được.
Vẫn là chiếc thuyền xưa, lưới cũ và đánh cá, nhưng mọi việc đã khác trước. Khác, vì Simon Phêrô từ sau thất bại chối Thầy, ông đã khiêm tốn hơn nhiều. Mặc dù vẫn ở chung với anh em, nhưng thay vì ra lệnh hay đề nghị, ông đã xử sự khéo léo và tế nhị hết sức: “Tôi đi đánh cá đây!” Các anh em đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Như thế, nơi mỗi người anh em cũng có sự biến đổi để khiêm tốn cộng tác với Phêrô, vì tự bản thân mỗi người đều ý thức sự yếu đuối của mình trong cuộc khổ nạn của Thầy. Đó là sự mới mẻ của cộng đoàn này: Cộng đoàn của những người “biết Chúa, biết mình và biết người” Lúc này, không ai trong các ông còn tranh cãi ai là người lớn nhất, hay dám xin được ngồi bên tả bên hữu Thầy nữa[2].
Thế rồi một lần nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh lại cho các ông cảm nhận sâu xa kinh nghiệm “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”[3] vì “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (c.3). Trong dáng vẻ một người khác lạ, Chúa bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (c.6a). Các ông lại khiêm tốn làm theo, gác lại bề dày kinh nghiệm sẵn có của mình, và kết quả là một mẻ lưới đầy cá. Lúc ấy, “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: ‘Chúa đó!’” (c.7a). Hẳn là vì có một mối tương quan sâu xa với Chúa Giêsu, nên người môn đệ ấy mới nhạy bén nhận ra Chúa nơi người khách lạ trước các anh em khác.
Khiêm nhường và yêu mến là hai nhân đức tối cần cho người môn đệ Chúa Giêsu. Khiêm nhường giúp ta ý thức sự yếu đuối và nghèo khó của mình và cậy dựa vào quyền năng của Chúa, cũng không giữ định kiến về những yếu đuối của người khác. Yêu mến Chúa giúp ta nhận ra Chúa nơi mọi người, cách riêng nơi anh chị em sống chung, để tôn trọng cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau. Chúa Giêsu không hề nhắc lại sự yếu đuối của các ông, nhưng Người đã chuẩn bị sẵn cho họ một bữa ăn sáng, sưởi ấm họ bên bếp than hồng với cá nướng và cả bánh nữa! Tình thương, sự chăm sóc chu đáo và tinh tế ấy, hẳn Chúa Giêsu đã học được nơi Đức Maria, Mẹ Ngài.
Thật vậy, Mẹ Maria luôn yêu thương, quan tâm đến người khác và nhất là Mẹ khiêm tốn phục vụ hết mọi người, vì Mẹ ý thức Mẹ được Thiên Chúa yêu thương. Chính nhờ ở lại trong tình thương của Chúa mà Mẹ có được sự nhạy bén để nhận biết ý Chúa. Có thể nói: Mẹ là người môn đệ được Chúa yêu thương cách hết sức đặc biệt. Mẹ yêu mến Chúa nên mau mắn nhận biết ý Chúa, nhận ra những biểu hiện của Chúa qua các biến cố vui buồn.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi trung thành gặp Chúa mỗi ngày qua việc cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa, để được yêu mến và sống thân tình với Chúa hơn
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con cảm nhận tình thương của Chúa, để con mau mắn nhận ra Chúa qua những dấu chỉ, những biểu hiện và biến cố trong cuộc sống, để làm theo ý Chúa và nói về Chúa cho mọi người xung quanh.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/848805942649255)
[1] X. https://vi.wikipedia.org/wiki/Biển_hồ_Galilee
[2] Mt 10,21; 20,20-27; Mc 9,34; Lc 9,46
[3] Ga 15,5