fbpx

CÙNG MẸ TRẢI NGHIỆM TÌNH YÊU CỨU ĐỘ – NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊ-LEM(B4)

“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ…Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai”.[1]

Bạn thân mến,

Chỉ còn 8 ngày nữa là đến ngày sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu . Mừng sinh nhật con, không thể nào không nhớ ơn mẹ, vì mẹ đã cưu mang con trong lòng mẹ 9 tháng với biết bao trìu mến, nhưng cũng không ít cơ cực của việc “mang nặng đẻ đau”.

Là những người con hiếu thảo của Mẹ Maria, chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội dành tuần bát nhật này để cùng nhịp bước trong chuyến đi của Mẹ và Thánh Giuse về nguyên quán để khai hộ khẩu, đúng vào thời gian mà bất cứ phụ nữ nào sắp “ở cữ” như Mẹ cũng cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức.

 


Con đường sa mạc cát bụi và nắng, nóng hơn 150 km từ Nazaret tới Bêlem.

Con đường từ Nadarét tới Belem dài hơn 150 cây số. Đó là một chặng đường quá sức gay go đối với Đức Mẹ và cả thánh Giuse nữa, vì là đường đi trong sa mạc, với phương tiện di chuyển duy nhất là dùng lừa hay lạc đà. Ngoài lương thực mang theo, chắc chắn các Ngài phải dừng lại nhiều lần để nghỉ chân, kiếm nước, nghỉ đêm ở ven đường hoặc quán trọ nào đó và phải đón nhận rất nhiều thiếu thốn và bất tiện cho một phụ nữ sắp tới ngày sinh con!!!

Động lực nào đã giúp Mẹ vượt qua được chặng dường gian khổ này? Chúng ta cùng trải nghiệm với Mẹ trên những bước đi.

Xin Mẹ ban ơn can đảm của Mẹ cho chúng con, để chúng con cùng Mẹ vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc đời chúng con, như Mẹ khi xưa.


BƯỚC THỨ TƯ: 20.12

Lạy Đức Ki-tô,
Ngài nắm giữ chìa khóa Đa-vít và phủ việt nhà It-ra-en…[1]

Trong cuộc sống thường ngày, hầu như ai cũng cần sử dụng chìa khóa: nào là để khóa cửa nhà, cửa phòng, tủ, xe… Như vậy, chức năng của chìa khóa là mở và đóng khóa lại các cửa cho được an toàn. Nhưng ngoài những chức năng cụ thể trên, chìa khóa còn có những ý nghĩa khác nữa. 

 Chìa khóa là biểu tượng mở cánh cửa của sự thành công trong bất cứ lãnh vực nào. Có thể đó là sự kiên nhẫn, chịu khó trong học tập; có thể đó là sự kiên trì chịu đựng gian nan thử thách; có thể đó là tình thương dành cho đứa con ăn chơi, nghiện ngập, như gương thánh nữ Mônica đã thành công trong việc hoán cải đứa con là thánh Augustinô.

Tại những tòa nhà lớn, người quản lý có trách nhiệm kiểm tra sự an toàn của toàn bộ cơ sở và tài sản trong đó, cần rất nhiều chìa khóa. Người ta sáng tạo một chìa khóachung” (passe-partout). Nhờ nó, vị quản lý hoàn thành công tác cách an toàn, nhanh chóng và luôn an tâm về tài sản, vì ông nắm chìa khóa trong tay. Nếu cần đem vào hay lấy ra bất cứ cái gì cũng phải qua ông. Ai muốn ra hay vào nơi đó cũng vậy.

Trong Kinh Thánh, chìa khóa là một biểu tượng có ý nghĩa thâm sâu hơn nhiều:

Từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, tiên tri Isaia đã loan báo lời Chúa hứa trao quyền bính cho Đấng Cứu Thế: “Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.”[2]  

Đến thời Tân Ước, trong một thị kiến trên trời, thánh Gioan đã thấy và nghe tiếng Chúa Giêsu nói về chiếc chìa khóa quyền hành của Người: “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ.”[3]

Trong một thị kiến khác, thánh Gioan đã được ủy thác viết lại những lời của Thiên Chúa về chiếc chìa khóa nói lên uy quyền cùng bảo chứng của Người: “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Philađenphia: “Ðây là lời của Ðấng Thánh, Ðấng chân thật, Ðấng giữ chìa khóa vua Ðavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được[4].

Cùng nhịp bước với Mẹ Maria đi đến Belem, chúng ta nhờ Mẹ chuyển cầu lên Đấng đã được trao Chìa Khóa Nước Trời, đang ngự trong cung lòng Mẹ. Xin ngài đến giải thoát chúng ta khỏi nền văn minh sự chết đang lộng hành trên thế gian và đưa chúng ta vào miền ánh sáng của Tình Thương, qua việc chúng ta đón nhận chiếc chìa khóa chung của Ngài:  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.”[5]

Với chiếc “chìa khóa chung” này, ta có thể đi đến khắp nơi (passe-partout), đến với những ai đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta và như thế cửa nước Trời cũng sẽ được mở ra cho chúng ta: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ;  Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.[6]


[1] GKPV-ĐCTM Kinh Chiều 20.12
[2] Is 22, 22
[3] Kh 1, 18
[4] Kh 3,7
[5] Ga 13, 34-35
[6] Mt 25, 34-36

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *