fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – CHÂN PHƯỚC ROSALIE RENDU – NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN


1786-1856
Lễ mừng: 07.02

Vào giữa thế kỷ thứ XIX, Tu hội NTBA đã dâng hiến cho Giáo Hội hai gương mặt độc đáo và hoàn toàn trái ngược nhau. Gương mặt thứ nhất là một gương mặt im lìm, mờ nhạt, không ai biết đến, gương mặt tiêu biểu cho đức khiêm nhường và vâng phục, gương mặt của người NTBA thầm lặng: Thánh Catherine Labouré (1806-1876). Gương mặt thứ hai là một gương mặt sáng chói, lừng danh, gương mặt tiêu biểu cho hoạt động Bác Ái, gương mặt của vị tông đồ khu phố Mouffetard: Chân phước Rosalie Rendu (1786-1856)[1]”.

Chúng ta đã biết rất nhiều về thánh Catherine Labouré (Xem THÁNH NỮ CATHERINE LABOURÉ). Còn Chân Phước Rosalie Rendu là ai vậy?

Hai ông bà RENDU là người ở quận Gex vùng núi, nước Pháp, sinh con gái đầu lòng ngày 09.9.1786, đặt tên là Jeanne-Marie Rendu. Sau này ông bà còn sinh thêm được 3 cô con gái nữa. Ông bà rất đạo đức, bình dân, sở hữu một trang trại nhỏ.

Khi cô bé lên 3 tuổi, cách mạng Pháp 1789 bùng nổ. Cha mẹ cô sống Đức Tin Công Giáo của mình cách can đảm, vững vàng. Ngôi nhà của gia đình trở thành nơi trú ẩn cho các linh mục đang bị cách mạng truy nã. Bảy năm sau, cha cô qua đời, kế đó là em gái út qua đời. Cô lãnh trách nhiệm chăm sóc mẹ và hai em gái. Khi cuộc cách mạng lắng xuống và cuộc sống ổn định, cô được gửi đi học tại trường của các Soeurs Ursuline ở quận Gex.

Khi đi bộ trong thành phố, cô khám phá ra các Nữ Tử Bác Ái  đang chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Điều này gợi hứng cho cô tìm đến với các Sơ Nữ Tử Bác Ái. Sau khi được mẹ cho phép, cô đã tới tìm hiểu ơn gọi tại Nhà Mẹ của Nữ Tử Bác Ái ở đường Vieux Colombier, Paris, ngày 25.5.1802 và được nhận vào Tập Viện cùng năm đó. Mãn Tập Viện, Sơ đượcđặt tên là Sơ Rosalie Rendu và “được sai đến” cộng đoàn ở khu phố Mouffetard, Paris.

Sơ tuyên khấn lần đầu năm 1807. Sự khát khao phục vụ người nghèo khổ cháy bừng trong tâm hồn Sơ, không thể tìm được chỗ nào nghèo nàn, khốn khổ hơn là khu phố Mouffetard ở Paris, một khu phố nổi tiếng là nơi trú ẩn dơ bẩn tồi tàn của người nghèo, và Sơ Rosalie đã phục vụ tại đây trong suốt 54 năm cho tới chết, với 41 năm làm Bề Trên cộng đoàn.

Sơ được bổ nhiệm làm Chị Phục Vụ cộng đoàn này năm 1815. Để giúp đỡ các bệnh nhân và người đau khổ, các chị em cùng với Sơ Rosalie mở một dưỡng đường miễn phí, một trường học, một cô nhi viện, một trung tâm chăm sóc trẻ em, một câu lạc bộ cho công nhân trẻ và một ngôi nhà cho người già. Sơ thường khuyến khích các Chị em trong cộng đoàn nhìn ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi người nghèo: “Người nghèo sẽ chửi rủa các chị. Họ càng thô tục, các chị càng phải có phẩm cách. Các chị hãy nhớ rằng tất cả các quần áo rách rưới ấy che giấu gương mặt Chúa Giêsu Kitô”.

Chính cái nhìn huyền nhiệm: “nhìn thấy Chúa Kitô nơi người nghèo khổ” đã thúc bách Sơ đáp ứng vô số nhu cầu của người nghèo. Sơ kêu gọi các cộng tác viên có khả năng và Sơ còn là cố vấn cho Chân phước Frédéric Ozanam khi ông sáng lập Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô (xem CHÂN PHƯỚC GIÁO DÂN FREDERIC OZANAM). Giữa trận chiến tại Paris, Sơ đã dũng cảm trèo lên các chiến lũy để tìm cứu giúp các thương chiến binh, không phân biệt phe phái nào. Sơ cùng các chị em trong cộng đoàn tận tụy chăm sóc bệnh nhân trong những trận dịch tả.


Giữa trận chiến, Sơ Rosalie Rendu dũng cảm trèo lên các chiến lũy,
đi tìm các thương chiến binh để cứu giúp, không phân biệt phe phái nào.

Sơ qua đời ngày 07.02.1856 sau cơn bệnh hiểm nghèo. Cuộc ra đi này gây một xúc động mạnh không chỉ cho người nghèo mà còn cho mọi tầng lớp xã hội ở Paris cũng như ở vùng quê. “Khoảng 45.000 người đã tới dự lễ tang của Sơ Rosalie Rendu. Họ thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, giàu cũng như nghèo”.[2] Đám tang của Sơ đã nói lên thành quả của đời một nữ tỳ hết lòng với Thiên Chúa và hết tình với người nghèo, đúng như giáo huấn của thánh Vinh Sơn Phaolô: “Phục vụ người nghèo là phục vụ Thiên Chúa.


Ngôi mộ của Sơ tại nghĩa trang Montparnasse, Paris,
luôn có hoa tươi của những tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn, âm thầm dâng kính.

Sơ Rosalie Rendu được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 09.11.2003.
Một trong những câu nói của Sơ mà các chị em trong cộng đoàn tâm đắc nhất, vì nó rất đúng với cuộc sống của Sơ:
“Một Nữ Tử Bác Ái phải là một cột mốc ở góc đường. Ai đi qua đây đều có thể ngồi nghỉ hoặc để gánh nặng của họ ở trên đó.”


Bài đọc thêm:

Sau đây là phần trích dẫn, dịch từ vở kịch “Une Journée de Sr Rosalie Rendu”, mà giáo sư PX. Trần Duy Nhiên  viết cho Tu Hội dịp Sơ được phong Chân Phước. Đoạn này kể lại cuộc gặp gỡ giữa Sơ Rosalie và ông Gicquel, cảnh sát trưởng Paris, sau khi các Nữ Tử Bác Ái cứu một người bị thương trong lực lượng chống chính quyền đương thời.

 (Một người ôm cánh tay bị thương đi vào)

Người bị thương: Thưa các chị…

Sr Costalin: Anh là ai?… Ồ anh bị thương à?

Sr Rosalie: Costalin, em đã thấy rồi đó, hãy đưa vào trong mà băng bó vết thương đi.

Người bị thương: Không cần đâu, thưa các chị… Tôi vừa đánh nhau và bị truy nã… Mạng sống tôi bị đe dọa, xin giúp tôi trốn thoát.

Sr Costalin: Anh thuộc phe nào?

Sr Rosalie: Sr Costalin, anh ấy đang bị thương và bị săn đuổi nghĩa là phe của chúng ta. Hãy đưa vào trong chăm sóc rồi tìm cách cho anh trốn thoát.

Người bị thương: Chị là chị Rosalie phải không? Tôi biết ngay mà… Tôi đã không lầm khi chạy đến đây..

 

(Sr Costalin đưa người bị thương ra – Tiếng gõ cửa)

Sr Rosalie: Xin mời vào. À, chào ngài Gicquel. Tôi có thể giúp ngài việc gì?

Gicquel: Thưa chị, tôi đến đây không phải là nhờ chị giúp, nhưng đúng hơn là để giúp chị. Chị biết đó, tôi là cảnh sát trưởng. Nhưng có lẽ điều chị không biết là chị có tội với chính quyền. Chị đã bất chấp luật pháp, chị từng cứu một người phản loạn. Tôi đã ra lệnh bắt giam chị nhưng tạm thời đình chỉ vì các thuộc cấp tôi yêu cầu. Tôi đến hôm nay để tìm hiểu vì sao chị đã dám đi ngược với luật pháp.

Sr Rosalie: Thưa ngài, tôi là một NTBA, tôi không phục vụ cho một màu cờ nào cả. Tôi giúp đỡ những người đau khổ mà tôi gặp bất cứ ở đâu. Tôi tìm cách giúp ích cho họ mà không xét đoán. Và tôi cũng xin hứa với ngài, nếu chẳng may ngài bị săn đuổi và cần tôi giúp đỡ thì tôi sẽ không bao giờ từ chối.

Gicquel: Chị không có lập trường, một quan điểm nào cả. Chị không hiểu điều sơ đẳng này: nếu chị đồng lõa với những tên phản động có nghĩa là chị chống lại nhà nước.

Sr Rosalie: Tôi chỉ có một lập trường duy nhất, đó là đứng về phía Tình Yêu. Tôi yêu thương mọi người bất hạnh.

Gicquel: Chị cứ việc yêu thương những người bất hạnh. Nhưng đừng đi ngược với luật pháp.

Sr Rosalie: Thế khi yêu thương ai, ngài cũng phải tham khảo luật pháp sao? Tôi nghĩ rằng ngài là một người có lòng, nên đôi khi trái tim của ngài không thể dung hòa được với luật pháp.

Gicquel: Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng tôi biết chọn lựa. Ví dụ với tư cách cá nhân, tôi rất mến chị; nhưng với tư cách một cảnh sát trưởng, tôi đã ra lệnh bắt giam chị, vì chị đã phản bội quyền lợi đất nước.

Sr Rosalie: Có lẽ đó là điều khác biệt giữa ngài và chúng tôi. Khi có mâu thuẫn giữa tiếng nói của tình yêu và tiếng nói của lý trí, thì chúng tôi vâng theo tiếng nói của tình yêu.

Gicquel: Chị hãy nhớ rằng trước khi là một nữ tu, chị là một công dân, và có bổn phận tuân giữ luật pháp như bất cứ một công dân nào. Nếu không, tôi buộc phải xử chị như một người có tội, dù chị là một người đã từng có công.

Sr Rosalie: Chúng tôi không bao giờ đòi hỏi luật pháp ưu đãi chúng tôi; nhưng nếu luật pháp đòi hỏi chúng tôi phản bội Tình Yêu thì chúng tôi không làm đuợc.

Gicquel: Cái lối yêu thương lẫn lộn trắng đen của chị sẽ tai hại vô cùng. Chị có hiểu rằng chị ủng hộ những người phản động thì sẽ gây ra bao nhiêu bất hạnh không? Họ muốn thiết lập một xã hội vô chính phủ. Lúc bấy giờ chính chị cũng sẽ bất hạnh. Chị bảo rằng mình ở về phe người bất hạnh, thì chị phải ở về phe chúng tôi, phải chấp nhận một vài bất hạnh trước mắt để tránh nhiều bất hạnh to lớn về sau.

Sr Rosalie: Thưa ngài, chúng tôi không phải là những nhà lý luận. Chúng tôi chỉ là những NTBA mà thôi. Và Bác Ái dạy chúng tôi yêu thương người bất hạnh trước mắt mà không lý luận gì cả.

Gicquel: Bác ái dạy chị yêu thương chứ không dạy chị mù quáng.

Sr Rosalie: Bác ái không thể làm cho chúng tôi mù quáng, bởi vì chúng tôi không yêu thương vì chính mình mà vì Đấng đã yêu thương chúng ta. Chỉ có tình yêu vị kỷ mới mù quáng, vì thế chúng tôi không hề mù quáng.

Gicquel: Chị có lường được những hiểm nguy không?

Sr Rosalie: Thưa ngài có.

Gicquel: Luật pháp có thể cầm tù chị, và còn hơn thế nữa. Chị có biết không?

Sr Rosalie: Thưa ngài tôi biết.

Gicquel: Vậy nếu chị không mù quáng thì chị điên mất rồi!

Sr Rosalie: Đúng là chúng tôi yêu thương điên cuồng, vì Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta một cách điên cuồng.

Gicquel: Chị có thể mất mạng đấy! Coi chừng!

Sr Rosalie: Ồ, mạng sống tôi ư? Tôi đã hiến dâng cho Chúa và người nghèo từ lâu rồi!

Gicquel: Tôi không biết nói thế nào cho chị hiểu. Tôi cảnh báo chị: nếu chị tiếp tục một lần nữa thì tôi sẽ thi hành điều mà tôi đã báo trước.

Sr Rosalie: Tôi cũng xác định là tôi yêu mến ngài và không có gì có thể làm cho tôi phương hại ngài.

Gicquel: Thôi, tôi đến đây không phải là để tranh luận về nhiệm vụ của chính quyền và nhiệm vụ của bác ái. Tôi đến để báo cho chị những hậu quả mà chị phải lãnh chịu, nếu chị trái lời tôi. Chị hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ? Thôi, chào chị.

Sr Rosalie: Vâng, tôi hiểu. Xin chào ngài.

Gicquel: Tôi sẵn sàng nhắm mắt về những gì đã qua, nhưng tôi van chị, chị hãy hứa là đừng tái phạm nữa. Chúng tôi sẽ đau lòng khi phải trừng phạt chị.

Sr Rosalie: Thưa ngài, tôi không thể hứa được. Tôi cảm thấy rằng nếu có trường hợp tương tự xảy ra, thì tôi không đủ can đảm mà từ chối. Một NTBA thánh Vinh Sơn không bao giờ được phép lỗi đức bái ái, dù cho hậu quả có thế nào đi nữa. Nhưng xin ngài yên tâm. Dù ngài có đối xử với tôi thế nào thì tôi vẫn thông cảm và không bao giờ oán trách ngài.

Gicquel: Ơ này, chị nói như thế thì chắc chắn hôm nay chị đã tái phạm rồi. Chị đã giúp đám phản loạn này à?

Sr Rosalie: Nếu ngài bắt buộc tôi trả lời thì phải nói là có. Trước lúc ngài vào đây, có một người đến đây và giờ này chắc chắn người ấy đã đi xa rồi…

Gicquel: Người ấy là ai?

Sr Rosalie: Tôi không biết người ấy là ai, tôi chỉ biết rằng đấy là một người cần được giúp đỡ.

Gicquel: Như thế chị nói dài dòng là để đánh lừa tôi à?

Sr Rosalie: Biết làm sao được? Tôi giúp người ấy nhưng cũng giúp ngài đấy chứ. Tôi muốn tránh cho ngài khỏi đau lòng khi bách hại người khác.

Gicquel: Thôi tôi xin kiếu. Nếu trong đời tôi, gặp vài người như chị thì tôi sẽ hóa điên lên mất!

Sr Rosalie: Xin chào ngài…

Tác giả: Gs. PX. Trần Duy Nhiên


[1] Gs. PX. Trần Duy Nhiên

[2] Các Thánh và Các Chân Phước Gia Đình Vinh Sơn, Tổng Hợp 2011, trang 100

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *