LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
Lễ kính hằng năm: 22.02
1. Vài hàng lịch sử
Quyển lịch cổ nhất của Rôma (Depositio martyrum) có từ năm 354, xác nhận Thánh Lễ “Ngai Tòa Thánh Phêrô – Chaire de Saint Pierre” được mừng kính ngày 22.02, ngày dân Rôma nhớ đến những người quá cố. Cũng có một vài thay đổi sau đó, nhưng cuối cùng lễ này vẫn được ấn định vào ngày 22.02, dưới một chủ đề: Ngai Tòa Thánh Phêrô.
Tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, người ta còn giữ được (cathedra – tiếng La Tinh) ngai toà của vị giáo hoàng tiên khởi, có nghĩa là cái ngai toà mà theo truyền thống, thánh Phêrô đã sử dụng. Nó là biểu trưng cho uy quyền của Đức Giáo Hoàng như là Thầy dạy, Thượng Tế và mục tử của Hội Thánh toàn cầu[1].
2. Ý nghĩa và sứ điệp của ngày lễ
Ngai tòa này tượng trưng cho ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã đặt vị thủ lãnh tiên khởi, khi Ngài nói: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”[2]. Như vậy, ngai tòa này có nguồn gốc từ kế hoạch của Thiên Chúa và thánh lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng hết sức quan trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người kế nhiệm thánh Phêrô, hướng dẫn Giáo Hội toàn cầu.
Tượng thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên.
Bức tượng này được Đức Giáo hoàng Piô IX
đặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican.[3]
Là con cái trong Giáo Hội, được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc ban tặng muôn vàn hồng ân phần xác cũng như phần hồn, chúng ta có quyền hãnh diện là người Công Giáo, đồng thời xác tín về nghĩa vụ sống đức tin, đức mến và lòng hiếu thảo đối với Giáo Hội, được thể hiện cụ thể qua việc:
- Tin tưởng vào Giáo Hội
Hội này không phải của con người, nhưng là “của Thầy”, nghĩa là của Thiên Chúa, do Ngài thiết lập và Ngài luôn “hiệp hành” với Giáo Hội. Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy rõ hơn 2000 năm qua, Giáo Hội thường xuyên phải đối diện với nhiều thử thách nặng nề, có nguy cơ tan rã, nhưng Thiên Chúa luôn giữ lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế“[4], con thuyền Giáo Hội đã vượt qua biết bao sóng gió và tiếp tục ra đi đến với muôn dân.
- Cầu nguyện cho Giáo Hội
Giáo Hội là một thực tại thiêng liêng và thánh thiện, vì Chúa Giêsu là Thủ Lãnh và là Đấng Thánh, nên còn được gọi là Hội Thánh. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là một thực tại hữu hình, gồm những con người nam và nữ, với thân phận mỏng giòn, nhưng được Thiên Chúa kêu gọi nên thánh. Chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho Đức Thánh Cha, hiện nay là Đức Phanxicô. Ngài cũng là một thụ tạo mỏng giòn, nhưng được Chúa trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên, ngài rất cần có ơn Chúa và sự cộng tác nỗ lực của các con chiên trên khắp thế giới. Chúa Giêsu đã tiên báo những thử thách không tránh khỏi của Giáo Hội và sứ vụ rất quan trọng của Đức Thánh Cha cho đời sống đức tin của chúng ta: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh[5].”
- Cộng tác với Giáo Hội
Giáo Hội là của mỗi người chúng ta và chúng ta là Giáo Hội. Chúng ta làm thành Dân Chúa. Mỗi người phải làm cho sinh động nơi mình cảm thức về Hội Thánh và nhiệt tình cộng tác tại môi trường sống của mình: giáo xứ, giáo hạt, giáo phận…Việc cộng tác cụ thể nhất hiện nay của chúng ta là “tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 vào năm 2023, bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề: ‘Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ’”[6].
Đây là logo chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục về con đường Hiệp Hành[7]
- Hình cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao, biểu trưng cây thánh giá chúa kitô là Cây Sự Sống. Cây này mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời. Các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay hoặc đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.
- “Dân Chúa gồm 15 bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Điều này liên hệ trực tiếp đến từ “Thượng hội đồng – Synod”, có nguyên nghĩa là “bước đi cùng nhau”. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, động lực này được Cây Sự Sống truyền vào trong họ, và cũng từ động lực này mà họ cất bước.
- Chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Tiêu đề “Thượng hội đồng 2021 – 2023”, là sự kiện đỉnh cao tổng hợp toàn bộ hành trình.
- Cùng Mẹ cầu nguyện cho Giáo Hội
Đức Mẹ cùng với các Tông Đồ cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần
[8]Chúng ta biết rằng:
- Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Giáo hội” khi bế mạc kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, vào năm 1964.
- Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội” (Redemptoris Mater, số 47).
- Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội.
Xác tín về huấn quyền của các Đức Thánh Cha, chúng ta tin tưởng và hân hoan kêu cầu Đức Mẹ là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô và tất cả chúng ta là đoàn chiên đã được trao phó cho ngài được luôn giữ vững niềm tin vào Chúa qua Giáo Hội.
Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] https://www.kath-vietnamesen.de/phung-vu-2/hanh-cac-thanh/22-02-lap-tong-toa-thanh-phero-le-kinh/
[2] Mt 16, 18
[3] X. https://vi.wikipedia.org/wiki
[4] Mt 28, 20
[5] Lc 22, 31b-32
[6] ĐTGM Giuse Nguyễn Năng- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh.
[7] https://www.tonggiaophanhanoi.org/y-nghia-logo-chinh-thuc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-con-duong-hiep-hanh/
[8] X. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-maria-me-giao-hoi-40037