02.3.2022 – THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6,16-18
“…Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Gia đình chị N. có bốn người bị Covid, nhưng chỉ có cha chị, anh trai và cháu đi cách ly tập trung rồi sau đó được về nhà. Lúc về cha chị trở nặng, phải đưa đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện dã chiến 21 ngày. Đêm thứ 21, bệnh viện báo cha chị mất do ngưng tim. Khi tiễn cha đi cách ly, ông còn quay lại vẫy tay tạm biệt gia đình. Thế nhưng khi đón cha về, chỉ còn là một hũ cốt.[1]
Bạn thân mến,
Có thể nói: cơn đại dịch Covid-19 đã phơi bày cái thân phận của chúng ta “là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Đó là câu mà chúng ta được nghe khi nhận tro trên đầu. 40 ngày mùa Chay không tính 6 ngày Chúa Nhật, Cách tính Lễ Tro phụ thuộc vào Lễ Phục Sinh (không cố định, theo lịch của người Do Thái). Từ lễ Phục Sinh tính ngược về trước 40 ngày, thêm 6 ngày Chúa Nhật nữa thì Lễ Tro sẽ rơi vào ngày Thứ Tư hôm nay.
Gọi là Lễ Tro, vì trong thánh lễ có nghi thức xức tro.Trong Cựu Ước, khi muốn bày tỏ lòng khiêm nhường và sám hối trước mặt Thiên Chúa, người ta thường rắc tro trên đầu, xé áo tả tơi và khóc lóc than van, ăn chay cầu nguyện. Thời Giáo Hội sơ khai, những người có tội phải sám hối công khai cũng mặc áo nhặm và rắc tro trên đầu. Đến thế kỷ XI, truyền thống này được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội vào Thứ Tư Lễ Tro.
Như thế, với hình thức bên ngoài là lãnh nhận tro trên đầu, mỗi người chúng ta cần thật lòng sám hối trở về với Chúa và với anh em. “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng…”[2] như lời ngôn sứ Giô-en đã mời gọi, đồng thời thực hiện các việc làm cụ thể trong Mùa Chay là làm việc bác ái, cầu nguyện và ăn chay. Cả ba việc ấy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải làm cách kín đáo, đừng phô trương cho thiên hạ thấy, nhưng chỉ một mình Thiên Chúa biết là đủ rồi.
Cùng với việc nhận tro, chúng ta cũng giữ chay theo truyền thống của Giáo Hội. Đặc biệt Đức Thánh Cha mời gọi toàn thế giới dành ngày hôm nay để ăn chay và cầu nguyện cho Ukraine được hòa bình. Giữ chay trong việc ăn uống là kiêng bớt những món ăn ưa thích, ngon miệng, no nê, đồng thời chay tịnh trong suy nghĩ, lời nói và cách sống của mình: Giữ chay con mắt và tâm trí: hạn chế lướt web, faceboook, chơi game, không xem phim ảnh xấu, thấy tốt và nghĩ tốt cho người khác… Giữ chay cái miệng: Mau nghe, ít nói và chỉ nói những lời tích cực. Chay trong việc làm: dành thời giờ cầu nguyện và giúp đỡ mọi người.
Bác ái, cầu nguyện và chay tịnh cũng chính là lối sống của Mẹ Maria. Kinh Thánh không giới thiệu về thân thế hay công trạng gì của Mẹ trước khi Mẹ được chọn làm mẹ của Chúa Giêsu, vì Mẹ luôn sống trong sống âm thầm và khiêm tốn nên Mẹ “đẹp lòng Thiên Chúa”[3]. Việc Mẹ mau mắn xin vâng ý Chúa cho thấy Mẹ đã có thói quen hy sinh hãm mình và từ bỏ ý riêng. Mẹ luôn sống dưới cái nhìn của Chúa, chọn làm đẹp lòng Chúa hơn làm đẹp lòng người đời, kể cả gia đình, người thân của Mẹ. Đồng thời, Mẹ không bỏ qua một cơ hội nào mà không thực thi bác ái với tha nhân: giúp chị Elizabeth, đám cưới ở Cana…
Tinh thần chay tịnh của Mẹ là luôn vui tươi niềm nở với mọi người, nghe nhiều, nói ít, kiên nhẫn đón nhận nghịch cảnh, thinh lặng gẫm suy Lời Chúa và những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống với tâm tình tạ ơn, chúc tụng, thờ lạy và vâng phục ý Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống vui tươi trong mọi nghịch cảnh, năng kết hợp với Chúa và âm thầm trong mọi việc làm.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, con xin dâng những hy sinh trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới, cách riêng cho đất nước Ukraine được chấm dứt chiến tranh, để mọi người được sống trong bình an và ca ngợi lòng xót thương vô biên của Chúa.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1048788579317656)
[1] X. https://kenh14.vn/cha-di-cach-ly-luc-ve-chi-con-hu-tro-cot-loi-dan-truoc-luc-ta-tu-va-dieu-hoi-tiec-muon-mang-cua-co-con-gai-20210927225013462.chn
[2] Ge 2,13
[3] Lc 1,30