fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – NGÀY GIỖ LẦN THỨ 362 THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC

NGÀY GIỖ LẦN THỨ 362
THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC

166015.32022

THIÊN CHỨC PHỤ NỮ NỞ HOA
(Kỳ cuối)


Sự cộng tác của mẹ Louise với cha Vinh Sơn
Trong sứ mạng đào tạo và lãnh đạo Hội Dòng mới đang hình thành.

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI CỦA LOUISE DE MARILLAC
Sau những năm dài vừa lãnh đạo vừa đào tạo các chị em cho sứ mệnh mới mẻ này, sức khỏe vốn yếu kém của Cô ngày càng giảm sút, làm cha Vinh Sơn luôn lo lắng. Nghị lực, lòng kính mến Chúa và yêu thương người nghèo giúp Cô thắng vượt mỗi khi đau ốm. Cha Vinh Sơn xem đó là một hồng ân của Thiên Chúa, vì Ngài biết rõ nhu cầu của người nghèo cũng như của các Nữ Tử Bác Ái. Tuy nhiên, vào tháng 5. 1656, một cơn bệnh nặng gây nguy hiểm cho mạng sống của Louise. Cô chuẩn bị giờ chết cách bình thản, nghĩ rằng Thiên Chúa trao cho mình “chiếc chìa khóa để ra khỏi thế gian này”. Trước sự kinh ngạc của mọi người, Cô từ từ hồi phục sức khỏe và tiếp tục hoạt động…Đến năm 1660, một “khối u” ở cánh tay trái kèm theo sốt cao, đã vật ngã Louise một lần nữa. Bệnh trở nên tồi tệ cách nhanh chóng. Cô Louise lãnh nhận bí tích xức dầu cách bình an.[1] Sau đó, cô chúc lành cho con trai, con dâu và cháu nội và khuyên bảo các con “…các con hãy sống như những người Kitô hữu tốt.”

Sáng sớm ngày 13.3.1660, cha sở giáo xứ Saint-Laurent đưa Mình Thánh Chúa đến cho Louise. Sau khi tạ ơn Chúa, như một di chúc, Cô dặn dò các Nữ Tử Bác Ái đang hiện diện: “Chị em thân mến, tôi tiếp tục cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho chị em và tôi cầu xin Người ban cho chị em bền đỗ trong ơn gọi để phục vụ Người theo cách thức mà Người muốn chị em làm. Hãy hết sức chăm lo phục vụ người nghèo, và nhất là hãy sống chung với nhau trong sự hiệp nhất chặt chẽ và thân tình, yêu thương lẫn nhau, để noi gương sự hiệp nhất và đời sống của Chúa chúng ta. Hãy hết lòng cầu xin Đức Trinh Nữ làm Mẹ duy nhất của chị em.[2]

Sức khỏe của Cô càng lúc càng xuống, các Bà Bác Ái đến thăm, Cô tỏ vẻ ân cần với từng người. Cô ước muốn được gặp cha Vinh Sơn, nhưng ngài bị đau không đến được, cũng không viết cho Cô lời nào, như thói quen vẫn có. Ngài chỉ gửi một linh mục Tu Hội Truyền Giáo đến nói với Cô: Cô đi trước, cha hy vọng gặp lại Cô trên trời![3]

Ngày 15.3, lúc 11 giờ, Cô Louise đi vào cơn hấp hối. Các Nữ Tử Bác Ái quỳ gối xung quanh đọc kinh phó linh hồn của người hấp hối. Một linh mục Tu Hội Truyền Giáo ban phép lành toàn xá cho cô. Một lúc sau, Cô thì thầm: “Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa[4] và trút hơi thở. Lúc ấy là 11g30 ngày thứ hai của tuần thương khó. Thi hài Cô được an táng tại thánh đường Saint- Laurent, giáo xứ của nhà mẹ các Nữ Tử Bác Ái thời đó.

16 năm sau cái chết của Cô, một chứng từ rất đẹp của tác giả Gobillon, người đầu tiên viết tiểu sử của Louise De Marillac, đã viết và kể lại điều làm kinh ngạc những ai đến cầu nguyện trên mộ của Cô: “Thỉnh thoảng thoát ra từ nơi ấy như có như có một làn hơi êm dịu tỏa mùi thơm như mùi thơm của hoa đồng thảo (hoa tím violette) và hoa diên vĩ (iris). Có rất nhiều người làm chứng về điều đó, một điều lạ hơn là các Nữ Tử Bác Ái đến cầu nguyện nơi mộ, khi trở về thỉnh thoảng vẫn còn mùi thơm đó, đến nỗi các chị mang theo mùi thơm đó khi đến với các chị bị bệnh nằm ở phòng điều trị…”[5]

Mùi thơm ấy có phải chỉ là điều phản chiếu của sự thánh thiện và lòng khiêm nhường sâu thẳm của Louise? Đó không phải là lời mời gọi tiếp tục công tác đã được thực hiện nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ sao?[6]


Nhà nguyện Tỉnh Dòng Nữ Tử Bác Ái Việt Nam (42, Tú Xương, Q 3, Tp HCM)

Thiên chức phụ nữ nơi mẹ đã nở hoa, tỏa hương thơm ngát, làm vinh danh Chúa, tạo phấn khởi lòng người và xoa dịu biết bao tâm hồn sầu khổ. Nó còn làm nảy sinh biết bao bông hoa khác trên khắp năm châu. Riêng tại Việt Nam, hoa bác ái của mẹ đã được gieo vào năm 1928, tỏa hương thơm và thu hút nhiều phụ nữ khác tìm đến và trở thành Tỉnh Dòng thứ 54 của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn trên toàn thế giới, vào năm 1932.


Lễ mừng 60 năm trại phong Bến Sắn (1959-2019)
Chín mươi năm trồng nơi Đất Việt
Hương nồng nàn tinh khiết tỏa lan
Đơm hoa nở rộ ngút ngàn
Khiêm nhường, bác ái ủi an phận người.

Cô Louise được Giáo Hội phong Chân Phước vào ngày 09.5.1920, phong hiển thánh năm 1934 và năm 1960 ĐGH Gioan XXIII đặt Cô làm Quan Thầy tất cả những người làm công tác xã hội theo tinh thần Kitô giáo. 

Cám ơn Mẹ Louise đã không đầu hàng số phận phụ nữ hẩm hiu của mình, nhưng đã mở lòng đón nhận ơn Chúa, để rồi được vinh dự, kéo theo biết bao người khác, cách riêng là các phụ nữ, cũng noi gương mẹ và đi vào kế hoạch thăng tiến phụ nữ của Thiên Chúa ngay từ đầu chương trình cứu độ của Ngài: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl. 4, 4-5).


[1] X. Elisabeth Charpy, Nữ Tử Bác Ái-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 162-163
[2] Bút tích 823
[3] X. Elisabeth Charpy, Nữ Tử Bác Ái-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 165
[4] Bút tích, 813
[5] Nt.  trang 166-167
[6] Nt. 167

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *