fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – NGÀY GIỖ LẦN THỨ 362 THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC

NGÀY GIỖ LẦN THỨ 362
THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC

1660 15.32022

THIÊN CHỨC PHỤ NỮ NỞ HOA
(Kỳ 2)


Cô Louise mạnh dạn đi ra thăm viếng hội các Bà Bác Ái tại các giáo xứ
do cha Vinh Sơn thành lập.

Sau 4 năm sống âm thầm, tâm hồn Cô bình an lắng đọng hơn, Cô bắt đầu cảm nhận rõ ràng tiếng gọi của Thiên Chúa, mời gọi Cô dâng hiến cuộc đời cho những người mà Cô gọi là “những chi thể đau khổ của Chúa Kitô”. Cô đã ngỏ lời với cha Vinh Sơn và ngài đã đồng ý giúp Cô tĩnh tâm và chuẩn bị tinh thần lãnh trách nhiệm. Trước đó, từ năm 1617, cha Vinh Sơn đã thành lập nhiều hội các Bà Bác Ái tại các giáo xứ để phục vụ người nghèo. Cha ưu tư tìm người cộng tác để nâng đỡ các hội này. Như thế là Thiên Chúa đã thấy trước và chuẩn bị người cho sứ vụ này. Cha đã gửi Cô đi với “bài sai”: “Vâng, nhân danh Chúa, Cô hãy ra đi…”

Vào thời đó (1629), việc di chuyển khó khăn, vất vả, nguy hiểm; phụ nữ thường không đi xa, nhất là phụ nữ hàng quí tộc. Tuy nhiên, Louise đã không ngần ngại dấn thân mạo hiểm, khi thì đi một mình, khi thì đi với một phụ nữ khác. Hành trang cá nhân rất ít, nhường chỗ cho quần áo, thuốc men, lương khô cho người nghèo. Đi tới một địa điểm nào là Cô qui tụ các Bà Bác Ái chỗ đó lại, lắng nghe các bà chia sẻ, cùng làm việc với các bà và khuyến khích các bà phát triển những tiềm năng phụ nữ, dạy dỗ các bé gái miền quê biết chữ để học Giáo Lý, dạy công dung ngôn hạnh cho các bé.

Trong 4 năm phục vụ lưu động như vậy, Cô hiểu biết rất rõ nhu cầu của người nghèo, thấu cảm nỗi đau của họ. Cô đã rút tỉa những trải nghiệm của mình từ đời sống cô nhi tại nhà nội trú hoàng gia, từ nhà nội trú nghèo, từ đời sống gia đình làm vợ, làm mẹ rồi góa phụ nuôi người con bệnh hoạn, vào việc phục vụ đa dạng cho những anh chị em lâm cảnh khốn cùng này. Kết quả là Cô đã bẻ gãy được cái gông cùm của số phận để hành động như một phụ nữ tự do, tín thác vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác. Từ nay, nhờ nội lực này, Cô có thể đối diện với những khó khăn và bình tâm giải quyết chúng. Nhờ sự kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa, Cô tìm thấy sự can đảm, nghị lực cần thiết và hành động như một phụ nữ trưởng thành, đi trên đôi chân của mình.


Marguerite Naseau, người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên (1594 – 1633),
người có diễm phúc chỉ đường cho các chị em khác.

Là một phụ nữ đi tiên phong trong các công tác xã hội, cuộc sống của Cô đã tỏa sáng thu hút nhiều cô gái khác. Người đầu tiên tìm đến là cô Marguerite Naseau, một cô gái chăn bò. Tiếp đến là các cô thôn nữ khác. Qua kinh nghiệm bản thân, Cô Louise biết rằng các cô gái này rất quảng đại dấn thân.  Họ yêu mến Thiên Chúa và muốn phục vụ Người nơi người nghèo. Tuy nhiên, họ cần được huấn luyện về nhân bản, thiêng liêng và cung cách phục vụ các thân chủ. Với sự đồng ý của Cha Vinh Sơn, Cô đã qui tụ các cô gái này tại nhà mình để dạy dỗ họ. Đó là ngày ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, 29.11.1633.


Cô Louise biết rằng các cô gái này rất quảng đại dấn thân.
Họ cần được huấn luyện về nhân bản, thiêng liêng và cung cách phục vụ các thân chủ.

Đây là Hội Dòng nữ đầu tiên trong Giáo Hội, mà các thành viên không ở trong nội vi kín, nhưng đi đi – lại lại như người đời để phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ, qua nhiều hình thức phục vụ như chăm sóc bệnh nhân, dạy dỗ trẻ em nghèo, nuôi dạy cô nhi, thăm viếng tù nhân…Những công việc này rất mới mẻ vào thời đó, đòi hỏi nhiều công sức, kiến thức và kỹ năng để vượt qua những trở ngại vật chất, tinh thần, nhất là với nền “văn hóa nội vi của nữ tu”. Bà Louise phải hết sức kiên trì để giúp các cô gái quê mùa này thành những phụ nữ trưởng thành về nhân bản, trí thức và tâm linh, có khả năng sống chung và hiện diện giữa đời để phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo trên mọi nẻo đường. Họ phải vững bước trên đôi chân của mình từ các đường phố Paris đến các thôn làng xa xôi hẻo lánh!


Các Chị Nữ Tử Bác Ái không ở trong nội vi,
nhưng đi đi – lại lại như người đời để phục vụ Chúa Kitô nơi anh chị em nghèo khổ.

Giáo Hội đã nhìn nhận lối sống tu mới mà Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội, khi được ĐGH Clêmentê IX chính thức phê chuẩn ngày 08.6.1668. Tuy nhiên, gần 3 thế kỷ sau, trong Bộ Giáo Luật 1917, các dòng tu chỉ được phân chia thành “Ordo”nếu có lời khấn trọng, và “Congregatio” nếu có lời khấn đơn[1]. Phải đợi đến Bộ Giáo Luật 1983, mới có thêm loại dòng tu khác là “societas vitae apostolicae”: Tu Đoàn Tông Đồ[2]. Giáo luật 731 xác định: “Các Tu Đoàn Tông Đồ được coi như tương đương với Hội Dòng Tận Hiến…” với ba điểm đáng ghi nhận: không có lời khấn công, có đời sống chung, có mục tiêu tông đồ riêng.[3] Tu hội Nữ Tử Bác Ái được liệt kê vào hình thức thứ ba này. Điều này có nghĩa là cha Thánh Vinh Sơn và mẹ thánh Louise de Marillac, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã đi tiên phong đúng 350 năm, khi sáng lập ra hình thức tu trì này để sống Lời Chúa trong thế giới và đáp lại những dấu chỉ của thời đại: một loại hoa mới trong vườn hoa Giáo Hội!


Đúng là một loại hoa mới trong vườn hoa Giáo Hội!

(Còn tiếp)


[1] Lm Phaolô Phạm Quang Thanh, CM-Tính cách trần thế của tu hội Nữ Tử Bác Ái, trang 14 
[2] Nt.
[3] Nt. Trang 18

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *