13.5.2022 – THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH
Ga 14,1-6
“…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khác hẳn mọi ngày, bữa ăn tối nay sao mà ảm đạm thế! Mọi người thinh lặng, bé Út thì cắn môi lại nhìn vào chén cơm. Ba làm hiệu khuyến khích Út ăn đi, thế là Út mếu máo: “Ba, sao ba lại đi? Ở nhà với con”! Ba vội vàng bỏ chén cơm xuống bàn, bước tới ôm lấy Út và dỗ: “Ba đi trước dọn chỗ cho cả nhà mình. Sau này ba ở đâu, mẹ và các con cũng ở đó với ba mà!”. Út gạt nước mắt và hôn ba…
Đã hẳn, cuộc chia ly nào cũng đầy nước mắt. Thế nhưng, vì mưu cầu sự sống, người ta đành phải tạm chia ly để mong ngày sum họp bên nhau mãi mãi. Vì mong muốn dọn chỗ cho các môn đệ và từng người chúng ta trên Nước Trời, Chúa Giêsu cũng bùi ngùi chia tay các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (c.3)
“Chỗ ở” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây không phải là một nơi chốn theo địa lý, hay một nơi nào đó trong không gian, nhưng là một thực tại mầu nhiệm mà con người chúng ta được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và chiếu tỏa vinh quang của Người, đồng thời trong Người, chúng ta cũng được hiệp thông với nhau, với tất cả mọi người khác.[1]
Tuy nhiên, để được “ở đó” với Chúa Giêsu, chúng ta cần “ở lại với Người” tại những nơi Người đã từng ở khi bước vào thế giới này: nghèo hèn nơi máng cỏ, lang thang tại Ai cập, sống nghèo tại Nazareth. Người đã “ở lại” nơi Đền Thờ để lo việc của Chúa Cha, và “ở lại” nhà của những người bạn thân khi đến thăm họ (tại Betania). Bước vào đời sống công khai, Người cũng không ngần ngại lang thang đây đó không chỗ gối đầu… Người đã ở trong vườn cây Dầu với nỗi cô đơn, và ở trên thập giá với tất cả mọi đau đớn, tủi nhục. Ngài đã mang lấy mọi đau khổ của chúng ta và đã chiến thắng nó bằng cuộc Phục Sinh khải hoàn của Người.
Là Thiên Chúa cao cả, nhưng vì yêu thương và muốn “ở với” con người, nên Người đã không ngần ngại nếm trải tất cả mọi cảnh ngộ khó khăn của kiếp người. Nhờ đó, chúng ta dám tin rằng: Chúa Giêsu đã từng ở trong hoàn cảnh như tôi hôm nay, Người vẫn đang ở đây vì tôi và cùng với tôi “tại đây, lúc này”. Người đón nhận những nghịch cảnh, thất bại, đau thương trong cuộc sống để nên giống tôi, để cứu độ tôi. Như thế, những đau khổ của tôi hôm nay trở thành phương tiện để tôi được “ở với” Chúa, kết hiệp với Chúa và thanh luyện bản thân tôi.
Trong vườn cây Dầu, các tông đồ đã sợ hãi bỏ chạy và không ở với Chúa. Nhưng khi nhận được sức mạnh của Chúa Phục Sinh, các ngài đã can đảm ở lại với Chúa trong sứ mạng rao giảng và làm chứng đến giọt máu cuối cùng. Cũng thế, nếu tôi đón nhận những khó khăn thử thách trong cuộc sống, với sự trung tín như các tông đồ, thì đau khổ trở thành cơ hội cho tôi được cứu độ.
Mẹ Maria đã luôn ở cùng Chúa trong mọi nỗi khó khăn thử thách. Mẹ đã trải nghiệm tất cả những sướng khổ, vui buồn cùng với Chúa, nhất là trong cuộc thương khó và cái chết đau đớn của Người. Không có nỗi đớn đau, xỉ nhục nào của Chúa chịu mà Mẹ lại không chịu cùng với Người. Tại Belem, tại Ai cập, Nazareth, Capharnaum, dinh Philatô, và nhất là trên thập giá. Chính vì thế, khi Chúa Phục Sinh, Mẹ cũng được tràn đầy hoan hỉ và được Chúa đưa Mẹ về nơi Chúa ở cả hồn lẫn xác.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, để Người sống với tôi và trong tôi, và tôi được ở với Người ngay từ bây giờ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời con. Xin cho con ơn can đảm ở lại với Chúa trong gian nan thử thách, để con cũng được ở với Chúa trên Nước Trời sau này. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=114991104540355&id=103586152347517)
[1] X. Lời Chúa cho mọi người, tr. 1848, phần chú giải.