30.5.2022 – THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 16,29-33
“Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội của Chúa Giêsu đã bị bách hại và có rất nhiều vị tử đạo. Lịch sử Giáo hội Việt Nam trong ba thế kỷ đầu cũng in dấu biết bao đau thương của cha ông chúng ta. Điều này nói lên: máu của các vị tử đạo minh chứng cho tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa. Sức mạnh của Người là bảo đảm cho sự can trường chiến đấu và chiến thắng của các ngài trước mọi đau khổ và bách hại của thế gian.
Trước khi bước vào cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã tuyên bố chiến thắng thế gian và vì thế, Người khích lệ các tông đồ: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”. Cho dù thế gian chống đối và bách hại Người, nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn chiến thắng thế gian. Chiến thắng của Người không được nhìn thấy như sự thành công rực rỡ bề ngoài, nhưng là ở việc Người hằng vâng phục Chúa Cha và như thế là kế hoạch cứu độ loài người của Cha được thực hiện. Sự bách hại mà thế gian dành cho Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và cái chết thập giá, thì Thiên Chúa đã dùng quyền năng làm cho Người được Phục Sinh, và qua đó, đem lại ơn cứu độ cho tất cả nhân loại.
Nhờ vâng phục thánh ý Thiên Chúa và đón nhận đau khổ, Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian. Để chiến thắng thế gian giống như Chúa Giêsu, người môn đệ cũng không có con đường nào khác là vâng phục thánh ý Thiên Chúa, dám nhận lấy những đau thương, và thập giá đời mình, những khó khăn trong cuộc sống, kể cả những xỉ nhục, vu khống và cả cái chết vì Tin Mừng của Chúa. Bởi lẽ, sống theo Giêsu là đi ngược lại các giá trị mà thế gian vẫn kiếm tìm, đó là tiền bạc, quyền lực, khoái lạc… Một khi dám lội ngược dòng với thế gian, chắc chắn các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét. Nhưng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.[1]”
“Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Biến cố Phục sinh là bằng chứng hùng hồn rằng Đức Giêsu đã chiến thắng đau khổ và sự chết. Như thế, đau khổ không phải là lý do để đầu hàng. Cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Chúa Giêsu đã kinh qua đau khổ và cái chết để thánh hóa nó. Bởi đó, chúng ta đón nhận đau khổ chỉ vì Chúa Giêsu đã biến đổi nó thành phương thế cứu độ. Sống giữa những cám dỗ của chủ nghĩa thế tục, giữa vô vàn khó khăn trong cuộc sống, chúng ta được an ủi vì tin chắc rằng Thiên Chúa luôn ở cùng và nâng đỡ ta bằng ơn thánh của Người. Chúng ta mở rộng tâm hồn chờ đón Chúa Thánh Thần ngự đến và cộng tác với Người, để Người biến đổi, ban cho ta sức mạnh và lòng can đảm làm chứng cho Tin mừng trong cuộc sống thường ngày.
Trong buổi Truyền Tin, Mẹ Maria đã can đảm vượt qua sự sợ hãi, chấp nhận rủi ro, đánh cược mọi thứ để thưa “Xin vâng”, cưu mang Chúa Giêsu nhờ quyền năng của Thánh Thần. Rồi trong suốt cuộc đời, Mẹ thinh lặng đón nhận mọi gian nan thử thách để trung thành với tiếng Xin vâng ấy. Dưới chân Thập giá, trong khi các môn đệ chạy trốn vì sợ hãi, có người thì bán Thầy, kẻ lại chối Thầy…thì Mẹ vẫn “đứng” chứ không ngã gục, cho dù đau đớn đến chết lặng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói rằng: “Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ, trở nên một influencer (người có uy thế)[2]. Nơi Mẫu Ảnh Phép Lạ, sự can đảm của Mẹ được diễn tả qua việc Mẹ đạp giập đầu con rắn.[3] Điều đó cũng khích lệ chúng ta năng chạy đến nương nhờ Mẹ, để được Mẹ che chở đỡ nâng.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi quyết tâm sống trung thực, công bình, bác ái, và can đảm đón nhận mọi hệ lụy của lối sống ấy.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết tin tưởng vào chiến thắng của Chúa, để can đảm chọn lựa và sống đến cùng các tiêu chuẩn của Tin Mừng mà Chúa mời gọi con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=124786440227488&id=103586152347517)
[1] Ga 15,18
[2] Tông huấn “Đức Giêsu đang sống”, số 44
[3] X. https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me/