CÁC THÁNH Ở KỀ BÊN TA[1]
MỪNG SINH NHẬT THÁNH LOUISE DE  MARILLAC
ĐỒNG SÁNG LẬP TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI

1591 – 12.8 – 2020


Bé Lu-i-xa được sinh ra ngay tại Paris, thủ đô nước Pháp, vào cuối thế kỷ 16, trong một dòng họ quí tộc. Vô phước thay, mẹ bé chỉ sinh bé ra rồi biến mất, không rõ vì lý do gì. Nhưng cũng có phước thay! Vào thời đó, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, cuộc sống vật chất còn nghèo khổ hơn bây giờ, nhưng sự sống thì lại được bảo vệ hơn. Chính vì thế mà bé được mở mắt chào đời và được sự quan tâm của người cha ruột của mình. Hơn thế nữa, dù là con ngoại hôn, bé vẫn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân. (Gr 1,5)

“Gà trống nuôi con”, luôn bị giới hạn bởi công việc và nhiều thứ khác nữa, ông đành phải gửi con vào nội trú tại nhà các nữ tu Đaminh. Nơi đây, cô được nuôi dạy rất tốt về thể xác, tinh thần và tâm linh. Phước trần gian này quá ngắn ngủi, mới 13 tuổi cô lại mồ côi cha!

Cô phải ra khỏi nhà nội trú này để đến một nhà trọ nghèo nàn; nơi đây cô được cô giáo đồng thời là chủ nhà dạy may vá thêu thùa kiếm sống và học làm những công việc của người phụ nữ trong gia đình.

Đứng trước sự bí ẩn về danh tánh và cuộc sống của mẹ mình, sự ruồng bỏ của dòng họ, những biến cố bi thương của tuổi thơ ấu và thiếu nữ của mình, cô không bất mãn hay tuyệt vọng, nhưng cô cam chịu và tìm đến trú ẩn bên Chúa và Mẹ Maria. Cô đã tự thuật là rất yêu thích cầu nguyện và cám ơn Chúa về hồng ân này, vì từ nơi Ngài, cô múc được sức mạnh để tiếp tục bước đi và luôn tìm kiếm làm theo ý Chúa.

Khao khát muốn gia nhập một Dòng khổ tu thời đó, bị Cha Bề Trên từ chối vì lý do kém sức khỏe, nhưng sâu xa hơn là, cô không có của hồi môn khi nhập tu, theo truyền thống thời đó. Dòng họ của cô sắp đặt một cuộc hôn nhân cho cô, như vậy họ yên tâm hơn và hết trách nhiệm.

Bà  sinh được một con trai, nhưng chẳng mấy chốc cuộc hôn nhân đó chỉ còn là việc bổn phận chăm sóc người chồng bị đau lâu ốm dài và nuôi dạy đứa con chậm phát triển. Bối cảnh bi đát này làm bà vô cùng đau khổ và bị dày vò là tại mình đã thất hứa với Chúa và không đi tu. Bà đã trải qua những đêm đen đức tin và muốn bỏ chồng đi tu.

Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 04.6.1623, như Phaolô trên đường Đa-mát, một luồng ánh sáng bao phủ bà:trong phút chốc, tâm trí tôi được soi sáng. Bà hiểu sẽ đến một ngày bà được tận hiến cho Chúa, cùng với các chị em khác, nhưng không phải là trong Đan Viện.

Tuy nhiên, “tại đây, lúc này”, bà phải ở lại với chồng. Bà đã chăm sóc chồng cách tận tuỵ và với tất cả tình yêu. Bà cũng nhận ra sự thay đổi nơi Antoine, ông trở nên dễ chịu hơn. Đó là ơn sủng đặc biệt dành cho chồng bà. Lu-i-xa đã tâm sự với người thân là chỉ có một mình bà bên cạnh để giúp chồng trong cuộc vượt qua quan trọng này và ông ấy đã chứng tỏ lòng sùng mộ, tâm trí hoàn toàn gắn chặt vào Chúa và xin bà cầu nguyện cho ông.

Trở thành góa bụa, bà dành nhiều thời giờ cầu nguyện và chăm sóc cậu con trai bệnh hoạn. Dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng mới là cha Vinh Sơn Phaolô, bà dần dần nhận ra ý Chúa: phụ giúp cha Vinh Sơn may quần áo cho người nghèo, quan tâm giúp đỡ những người túng thiếu trong khu xóm… Sau 4 năm, bà chính thức xin cha Vinh Sơn đi phục vụ những anh chị em khốn khó. Cha gửi bà đi tới những nơi vùng sâu vùng xa, thăm những hội bác ái cha đã thành lập.

Tuy sức khỏe ít, nhưng ý chí nhiều và nhất là lòng yêu mến Chúa nồng nàn, giúp bà vượt qua những khó khăn và nguy hiểm đối với phụ nữ khi phải đi ra những vùng xa xôi bằng xe ngựa như vậy. Có nhiều thiếu nữ được thu hút bởi gương phục vụ người nghèo của cha Vinh Sơn Phaolô, tìm đến xin đi theo cha. Cha Vinh Sơn nhờ bà Lu-i-xa hướng dẫn các cô để biết cách phục vụ người nghèo sao cho tốt nhất có thể. Từ đó, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái được khai sinh, ngày 29.11.1629. Tu Hội này đi tiên phong trong Giáo Hội về một phong cách tu trì mới: các chị nữ tu này không ở trong Đan Viện, nhưng đi đi, lại lại ở bên ngoài để dễ dàng gặp gỡ và phục vụ những người nghèo khổ.

 Dưới sự lãnh đạo của cha Vinh Sơn và mẹ Lu-i-xa Marillac và tiếp theo là những vị kế nhiệm, đến nay Tu Hội đã có mặt ở khắp năm châu để đáp lại những tiếng kêu của người nghèo. Riêng tại Việt Nam, các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã hiện diện từ năm 1928 và đang phục vụ trong các tỉnh thành và miền quê  từ Bắc chí Nam.

Từ một bé mồ côi mẹ từ trong nôi, Lu-i-xa đã trải nghiệm thân phận mồ côi cha, bị dòng họ bỏ rơi; mộng đi tu không thành, lập gia đình cũng chẳng hạnh phúc bao nhiêu, lại nếm phận góa bụa nuôi con. Trước những cảnh ngộ này, bà rất đau khổ, nhưng không bất mãn hay tuyệt vọng; trái lại, bà gia tăng lời cầu nguyện và chay tịnh, tìm kiếm thánh ý Chúa muốn gì trên cuộc đời mình.

 Thiên Chúa thường viết thẳng trên những đường cong! Qua những đường cong này Chúa dần dần hé mở ý định của Ngài, qua những biến cố, những con người, những sự việc. Với ơn Chúa và qua giòng thời gian, bà được tôi luyện để có thể dấn thân và đảm nhận cái kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa muốn dành cho bà từ đời đời. Bé Lu-i-xa đã từng bước đáp lại và trở nên vị thánh nữ Lu-i-xa Marillac, tiên phong trong các công tác bác ái theo tinh thần kitô giáo. Bà qua đời ngày 15.3.1660 và được phong thánh ngày 11.3.1934.        

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi và có thể nên thánh, nhưng mỗi người mỗi cách:Điều quan trọng là mỗi tín hữu phân định nẻo đường riêng của mình, để thể hiện chính mình cách tốt nhất, tức những ân sủng riêng tư nhất mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn họ.(ĐTC Phanxicô, tông huấn “hãy vui mừng hoan hỷ”, số 11)


THÁNH NỮ LU-I-XA MARILLAC
(1591-1660)


[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “hãy vui mừng hoan hỷ”, số 6


Bài viết nổi bật: CÙNG MẸ MARIA CHĂM SÓC “NGÔI NHÀ CHUNG” CỦA CHÚNG TA