NGUỒN MẠCH KHÔNG HỀ CẠN
CỦA LÒNG NHÂN TỪ VÀ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA


Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết,
 họ không đánh giập ống chân Người.
 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

(Ga. 19, 33-34)

Từ biến cố bi thương trên đồi Canvê năm ấy, như thánh Gioan đã thuật lại trên đây, Thiên Chúa đã thể hiện rõ ràng và cụ thể nguồn mạch không hề cạn của lòng nhân từ và thương xót của Ngài. Thật vậy, thấy Chúa Giêsu đã chết, quân lính hiểu không cần đánh giập ống chân nữa, nhưng lại lấy giáo đâm vào cạnh sườn, đụng vào trái tim, tức thì máu cùng nước chảy ra.

Nhưng tại sao lại là trái tim mà không là một chi thể khác?

Mỗi người chúng ta đều có một quả tim. Không nhiều thì ít chúng ta đều hiểu tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn, với chức năng bơm đều đặn để đẩy máu theo các động mạch, đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất.  Tim hút máu từ tĩnh mạch về tim sau đó đẩy máu đến phổi để trao đổi khí carbonic lấy khí oxy. Tim hoạt động không ngừng nghỉ từ khi chúng ta mở mắt chào đời đến khi ta nhắm mắt xuôi tay từ bỏ tất cả. Con người không thể sống hay yêu thương mà không có trái tim. Tuy nhiên, nó cũng rất dễ bị tổn thương và có thể đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, nếu ta không biết cách giữ gìn hoặc phòng ngừa.

Thánh Gioan, người đã được diễm phúc nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu[1], khi chứng kiến cảnh tượng trên đồi Canvê này, đã hiểu và tin vào tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, một tình yêu cho đi đến cùng[2].Thánh Phaolô, suốt hành trình truyền giáo ngài đã gặp biết bao nguy hiểm, gian nan thử thách, thế mà ngài đã cảm nghiệm: Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi[3]. Giáo Hội cũng dạy chúng ta:Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi. Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai.[4]

Ngược dòng về thời Cựu ước qua các ngôn sứ, cách đặc biệt qua ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ, luôn yêu thương cưng chiều đứa con nhỏ Itraen của mình: chăm sóc, bú mớm, bồng ẵm, ấp ủ vào lòng, tập cho con đi, cho con ăn uống…[5]Khi nó hư thân mất nết, không nghe lời, Ngài cũng không hành động trong cơn nóng giận, vì Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. Ngài lại nhẫn nại chờ đợi đứa con hư trở về.

Đến thời Tân Ước, thánh sử Luca, nơi chương 15, thuật lại các dụ ngôn như con chiên bị lạc, đồng bạc bị mất. Dù chỉ mất có một con chiên, còn lại 99 con, người chủ chiên vẫn cảm thấy phải đi tìm nó về, như thể nó là duy nhất đối với ông. Cũng thế, không thể nào để mất một đồng bạc này được, phải chong đèn, quét nhà tìm cho bằng được; và khi tìm được thì vui mừng loan báo cho bà con lối xóm chung vui với mình. Đặc biệt hơn nữa là dụ ngôn người cha nhân hậu, dù rằng cuộc sống của ông rất yên ổn vì luôn có người con cả bên cạnh, nhưng ông luôn trông ngóng ngày trở về của đứa con thứ, nên khi anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh…Thật phúc thay cho chúng ta có Thiên Chúa là Cha! Ngài không muốn một ai đó đi ra ngoài tình thương của Ngài. Ngài cũng không muốn một ai đó phải hư mất.

Chính vì thế, ngay cả khi bị treo trên Thập Giá, giữa đỉnh đồi Calvê, ê chề khổ nhục và đau đớn cho đến khi lâm cơn hấp hối, Chúa Giêsu vẫn một lòng tha thứ:Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm[6] và ân thưởng ngay cho người trộm biết ăn năn: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng[7] rồi mới trút linh hồn:Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha[8].

Chúa Giêsu đã tắt thở vì quá yêu nhân loại tội tình. Nhưng dù đã tắt thở, Máu và Nước tiếp tục tuôn trào khi một lưỡi đòng đâm thâu Trái Tim Chúa, khơi nguồn các Bí Tích nuôi dưỡng con cái cho đến ngày tận thế. Ôi! Tình yêu cao vời, con chẳng sao suy thấu, chỉ biết sấp mình thờ lạy và cảm tạ. Xin cho chúng con biết cảm nếm và tận hưởng nguồn mạch không hề cạn này của lòng nhân từ và thương xót của Chúa.

Muốn được như vậy, chúng ta được mời gọi lên đường hành hương đến Trái Tim Chúa Giêsu, để gặp gỡ và để được Đức Giêsu đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta sự hiện diện của Ngài, thậm chí trong những chỗ sâu kín nhỏ bé nhất và tâm hồn chúng ta sẽ là một tâm hồn theo ý Ngài[9]: nhân hậu, khiêm nhường, hy sinh, tha thứ…

XEM THÊM VỀ LÒNG TÔN SÙNG THÁNH TÂM CỦA THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC


[1] Ga 13, 25
[2] Ga 13, 1
[3] Gl 2, 20
[4] GLHTCG số 478
[5] Hs 11, 1-9
[6] Lc 23, 34
[7] Lc 23, 43
[8] Lc 23, 46
[9] Cha Tomaž Mavrič,CM – Thư Mùa Chay 2019