fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

05.5.2019     CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – C
“Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 21, 11-19)
Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.”Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã hiện ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau mà các môn đệ phải tập làm quen với những cách thức mới mẻ của Thầy. Hầu hết, mọi người đều không dễ nhận ra Chúa ngay từ đầu: Maria Mácđala chỉ nhận ra Chúa khi Ngài gọi tên cô: “Maria!”[1]; các môn đệ và Tôma chỉ nhận ra Chúa khi Ngài cho xem vết thương nơi chân tay và cạnh sườn[2]; Gioan cũng chỉ nhận ra Chúa sau mẻ cá lớn, nhưng có lẽ nhờ vào giác quan của tình yêu, nên ông mới nhận ra Người, đang khi các môn đệ khác vẫn chưa nhận ra.

Sự nhạy bén của tình yêu, không phải tình yêu của Gioan đối với Thầy Giêsu, nhưng quan trọng là điều ông xác tín, điều ông cảm nhận và tự nhận mình là “môn đệ được Chúa yêu”. Đó chính là điều quan trọng trong việc truyền giáo của người môn đệ:Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! Nếu tôi không cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho tôi, tôi sẽ không biết yêu mến Chúa, không nhận ra Chúa và không thể loan báo về Chúa cho anh chị em tôi.

Vừa nghe nói “Chúa đó!” Phêrô liền nhảy xuống biển bơi nhanh vào để gặp Chúa. Đó vẫn là tính cách hồn nhiên của Phêrô: Qua kinh nghiệm yếu đuối chối Thầy, và qua ánh mắt của Thầy nhìn ông trong đêm Thầy bị bắt, ông hiểu Thầy rất yêu thương ông, cho dù ông đã chối Thầy; giờ đây, ông muốn mau được gặp Thầy, gặp riêng Thầy trước khi mọi người đến. Phêrô muốn có một tương quan cá vị với Chúa hơn những người khác. Đó cũng là điều mà Chúa muốn nơi ông: Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không? cũng như Chúa mong đợi nơi tôi: Này con (tên của bạn), con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Chúa hỏi thánh Phêrô 3 lần, như một cách tế nhị để ông có dịp tuyên xưng tình yêu đền bù sự yếu đuối 3 lần chối Thầy, nhưng ngày hôm nay, không biết Chúa phải hỏi tôi tới bao nhiêu lần mới đủ?

Chỉ khi Phêrô tuyên xưng tình yêu đối với Chúa, Chúa mới trao sứ mạng cho ông. Chỉ khi tôi chứng minh tình yêu và xác định rõ tương quan của tôi với Chúa, tôi mới có thể làm việc cho Ngài. Đó là điều mà ĐTC Phanxicô cũng kêu gọi mỗi chúng ta hôm nay: Tôi kêu mời tất cả các Kitô hữu chúng ta, ở khắp mọi nơi ngay lúc này đây, hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Ngài có thể gặp gỡ; tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày. Không ai được phép nghĩ rằng lời mời này không là của mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui khởi phát từ Chúa”. Chúa không lấy làm thất vọng với những ai dám dấn thân vào cuộc mạo hiểm này; bất cứ khi nào chúng ta thực hiện được một bước tiến đến với Đức Giêsu, thì lúc đó chúng ta sẽ nhận thấy rằng Ngài đã ở đó, đang giang tay đón chờ chúng ta.”[3]

Để bước vào mối tương quan cá vị với Đức Giêsu, đặc biệt trong Tháng Năm này, chúng ta không thể nào không nhớ đến Mẹ Maria – mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong tương quan cá vị với Thiên Chúa – cách riêng với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Bởi vì Mẹ cảm nhận được tình yêu thương rất lớn lao mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Mẹ khi Thiên thần chào Mẹ là đấng “Đầy Ân Sủng”[4]. Đáp lại, Mẹ đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trên cả bản thân Mẹ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng Mẹ yêu mến Chúa hơn mọi người chúng ta, mà còn hơn sự yêu mến của tất cả chúng ta hợp lại. Khi thưa tiếng “Xin Vâng”[5] là Mẹ đã trao vào tay Chúa tất cả tự do, tất cả mọi khả năng, cả thân xác và linh hồn Mẹ, cả giây phút hiện tại và tương lai sau này, Mẹ không giữ lại chút gì cho riêng mình. Và chính Thiên Chúa thông biết mọi sự, Ngài biết Mẹ đã yêu Chúa dường nào!

Với tình yêu đó, Mẹ đã cộng tác với Chúa cách đặc biệt trong công cuộc cứu rỗi con người, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả chúng ta.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Ngày hôm nay, Mẹ Maria vẫn chăm sóc từng người chúng ta bằng tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ luôn sẵn sàng để ban ơn và giúp đỡ, cũng như Mẹ rất vui khi ban ơn cho chúng ta. Thế nên tôi sẽ tận dụng cơ hội để đến với Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi, và làm các việc kính Đức Mẹ trong tháng Hoa này, để diễn tả lòng tôn kính và yêu mến Mẹ, và để nhờ Mẹ đưa tôi đến với Chúa Giêsu Con của Mẹ cách mật thiết hơn.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, con xin cám ơn Mẹ, vì Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu trong hy tế thập giá để cứu độ chúng con, Mẹ còn đón nhận tất cả chúng con làm con của Mẹ. Xin Mẹ dạy con nhận biết tình yêu thương mà Chúa đã dành riêng cho con qua Chúa Giêsu Con của Mẹ, để con biết yêu mến Ngài và sống mật thiết với Ngài mỗi ngày một hơn.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] Ga 20,16
[2] Ga 20,20.28
[3]ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – phần 1– số 3
[4] Lc 1,28
[5] Lc 1,37

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *