✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 9, 11b-17)
“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
“Ôi, Tình yêu thì sáng tạo đến vô tận!”. Cha Thánh Vinh Sơn Phaolô đã thốt lên sau khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Thật vậy, vì yêu thương và muốn được ở lại với con người, trước khi đi chịu chết Chúa Giêsu đã có sáng kiến tuyệt vời là ẩn mình trong tấm bánh đơn sơ nhỏ bé. Như vậy, con người có thể đến với Người, đón rước Người vào lòng và kết hợp với Người. Cứ như vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”[1]
Cha thánh Vinh Sơn đã dùng lời này để dạy bảo con cái của Ngài trong việc phục vụ người nghèo phải luôn luôn phát huy sáng kiến để việc phục vụ được tốt đẹp hơn.
“Người mẹ khi mang thai nuôi con bằng máu của mình, khi sinh ra lại nuôi bé bằng sữa của mẹ. Con người có thể thực hiện tình yêu đẹp như vậy, thì Chúa Giêsu muốn ở lại với con người qua hình bánh nhỏ bé, Ngài lại không làm được sao?”[2]
Nhóm lạc giáo Albigeois không tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, họ thách đố thánh Antôn Padua là nếu một con lừa đã bị bỏ đói 3 ngày mà nó chịu thờ lạy Mình Thánh Chúa thay vì ăn lúa mạch, thì họ sẽ “trọn lòng tin nơi giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo”. Thánh nhân đã nhận lời.
Đúng hẹn, tín hữu Công Giáo cũng như đồ đệ lạc giáo chen chúc có mặt tại nơi diễn ra cuộc thách thức, cùng với một con lừa đã bị rọ mõm và bị bỏ đói 3 ngày. Thánh Antôn sau khi dâng Thánh lễ thật sốt sắng, ngài bước ra, cung kính giơ cao hào quang đựng Thánh Thể. Người ta cũng đem thúng lúa mạch thơm ngon để ngay trước mặt con lừa và tháo rọ mõm cho nó. Lạ lùng thay, mặc dù bị bỏ đói đã ba ngày nhưng con lừa không nhào tới thúng lúa mạch thơm ngon ngay trước mặt, nhưng tiến về hào quang Thánh Thể, gập hai chân trước, cúi đầu hồi lâu bái lạy Đấng tạo thành vũ trụ.
Trước cảnh tượng này, các tín hữu Công Giáo vui mừng không tả xiết. Còn nhóm lạc giáo thì tỏ ra kinh hoàng rúng động. Trước phép lạ tỏ tường, ông trưởng nhóm lạc giáo Albigeois đã giữ đúng lời hứa. Ông từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn trở về với giáo huấn chân thật của Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.[3]
Hiệp cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể Mình và Máu thánh Chúa Giêsu Kitô, bí tích của tình yêu.
Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Tình yêu con người hữu hạn mà đẹp như vậy, thì Tình Yêu Thiên Chúa còn tuyệt vời biết bao: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”[4] Yêu thương đến cùng, nghĩa là chấp nhận chết để cho chúng ta được sống, rồi Ngài vẫn ở với chúng ta mãi mãi, chúng ta có thể đến với Ngài, đón nhận Ngài vào lòng, được ngài nuôi sống bằng chính thịt máu ngài và ta được sống với Ngài luôn mãi ngay từ đời này. Còn gì bằng khi chúng được mang dòng máu của Thiên Chúa, như giọt nước hòa tan trong rượu thế nào, chúng ta cũng sẽ được hòa tan trong Chúa như vậy.
Bí tích Thánh thể còn là dấu chỉ của tình người. Thực vậy, bữa ăn trong một gia đình là dấu chỉ của sự yêu thương và hiệp nhất giúp ta sống vui, sống khỏe. Chúa Giêsu cũng đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể dưới hình thức một bữa ăn. Chính vì thế, bữa tiệc Thánh Thể mang ý nghĩa yêu thương và hiệp nhất, bởi vì chúng ta cùng ăn một của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn. Các tín hữu sơ khai đã ý thức được chân lý căn bản này; họ mang rượu bánh đến góp chung để dâng lễ, để chia sẻ giúp đỡ những người nghèo.
Đức Cha Helder Camera, TGM Giáo phận Récite ở Braxil kể rằng: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố. Chúa Kitô đang hiện diện ẩn dấu nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo đói và bất hạnh như là một nhà tạm di động.” (x.Mt 25)[5]
Hơn ai hết, Mẹ Maria chính là một Nhà Chầu di động. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”.
Với hai tiếng “ xin vâng”, Mẹ trở thành Nhà Chầu đầu tiên cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Mẹ luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng” những điều thiên thần nói, Mẹ trở thành người chầu Thánh Thể liên tục. Mẹ đi thăm và đem niềm vui cho Bà Elisabeth và Thánh Gioan Baotixita. Mẹ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và Ngài trở thành lẽ sống của Mẹ. Mẹ dạy gia nhân trong tiệc cưới Cana “Người bảo gì các con cứ làm theo”.[6]
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhở ta là Chúa đã truyền: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”[7], tôi sẽ:
- Siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ để Chúa biến đổi tôi từ nước lã trở thành rượu ngon: rước Chúa vào lòng với lòng yêu mến để có nguồn sống thiêng liêng nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, và được Ngài đổi mới, cuộc sống có ý nghĩa và ngày càng vui hơn, đẹp hơn, nhất là tìm được sự bình an đích thực.
- Siêng năng viếng và chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, như Mẹ Maria đã dạy khi hiện ra với Chị Catherine Labouré năm 1830: “hãy đến nơi chân bàn thờ nầy (tay ĐM chỉ vào nhà Tạm). Nơi đây, nhiều ơn lành sẽ được tuôn ra cho mọi người lớn nhỏ đến cầu xin”.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết khiêm tốn đơn sơ, yêu Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, mềm dẻo để Chúa Thánh Thần uốn nắn giúp con bớt bất xứng mỗi khi rước Chúa vào lòng. Xin thúc đẩy con chăm chỉ đọc và suy gẫm Lời Chúa để có tâm tình như Mẹ, hăng say mang niềm vui và tình thương của Chúa cho anh chị em nơi nào con hiện diện, nhất là luôn biết hành xử tốt với mọi người bằng cách giao tiếp dễ thương như Mẹ.
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
[1] Mt 28, 20
[2]Cha Piô Ngô Phúc Hậu
[3]Câu chuyện “Con lừa quì lạy Mình Thánh Chúa” http://www.ngonluanho.net/2012/04/con-la-oi-che-cua-quy-lay-minh-thanh.html
[4] Ga 13, 1
[5] Theo bài giảng của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
[6] Ga 2, 5
[7] Lc. 22,19