✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,1-12.17-20)
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Chúa nhật hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn đồng lúa chín vàng mà thiếu thợ gặt. Đồng lúa ấy có thể là cả thế giới với hơn 7 tỷ người, mà những người Công Giáo chỉ hơn một tỷ[1]. Riêng tại Á Châu chiếm 60% dân số thế giới nhưng người Công giáo chỉ có khoảng 3%. Thống kê 50 năm của HĐGMVN (1965-2015) cho thấy tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam đến nay vẫn là 6, 93%.[2] Vẫn còn biết bao người chưa biết Chúa ngay trong khu xóm, gia đình, nơi chúng ta sinh sống, làm việc… Vậy ai là thợ gặt trong cánh đồng lúa ấy?
Sở dĩ vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa ngay bên cạnh chúng ta, cho dù chúng ta sống với họ đã lâu, là vì chúng ta chưa thật tin Chúa, chưa thật sự cảm nghiệm được niềm vui có Chúa và chưa diễn tả được niềm vui đó trong cuộc sống. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã nhận định: “Giáo dân Việt Nam giữ đạo rất tốt cho mình, nhưng lại thiếu nhiệt huyết thông truyền niềm tin ấy cho người khác. Đời sống đạo của người tín hữu chưa đi đôi với niềm tin, thiếu căn bản về giáo lý, kiến thức sơ sài về đạo làm cho đạo và đời không ăn nhập với nhau trong cuộc sống. Ðời sống đạo thể hiện nơi các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài, hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong”[3].
Chúa Giêsu không chỉ sai 12 tông đồ đi rao giảng, Ngài còn sai 72 môn đệ. Như thế, việc rao giảng Tin Mừng không chỉ là bổn phận của Giám mục, linh mục hay tu sĩ, nhưng là bổn phận của tất cả những người đã lãnh Bí tích Rửa tội.
“Những người Kitô Việt Nam có thể làm gì để giúp dân tộc họ sống tử tế?” Đó là câu hỏi của một ký giả ngoại quốc hỏi đặt ra cho nhà đạo diễn phim “Truyện Tử tế”, và ông đã trả lời: “Điều người ta mong đợi ở các người Kitô Việt Nam là niềm tin của họ, và họ phải sống điều họ tin”[4].
Lời phát biểu của nhà đạo diễn trên đây đáng để chúng ta suy nghĩ. Sự thật đau lòng hôm nay: Chữ “tử tế” chỉ còn thấy trên môi miệng những người lớn tuổi, con người và lòng tử tế đã trở thành quí hiếm. Báo chí hàng ngày cho chúng ta thấy đầy dẫy những hành động không chút tử tế ấy ngay cả giữa những người thân thuộc với nhau.
Sống trong một dân tộc còn nhiều người chưa biết Chúa, một đất nước còn nhiều khó khăn, giả dối, gian manh, lừa đảo, tiêu cực, thì đối với người Kitô Việt Nam, truyền giáo là sống đức tin, sống thật tử tế, tức là sống quảng đại, sống tình người với nhau. Truyền giáo không chỉ là việc đứng trên tòa giảng để loan báo về Chúa, hay phải lên lớp dạy Giáo Lý mà còn là việc Phúc Âm Hóa âm thầm như men trong bột, bằng những việc nhỏ bé đơn sơ, như thắp lên một tia hy vọng cho người tuyệt vọng, mang bình an cho người đau khổ, mang tình yêu đến cho người bị bỏ rơi…
Mẹ Maria đã sống tử tế với Chúa qua việc đón nhận Chúa Giêsu, cho dù gặp nhiều rắc rối. Mẹ đi tới giúp đỡ người Chị họ Elisabeth, cho dù phải hy sinh vất vả. Mẹ quan tâm và khiêm tốn cầu xin Chúa cho đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana. Mẹ đi theo Con của Mẹ đến tận đồi Canvê. Trải dài thời gian Mẹ vẫn đồng hành với con cái Mẹ khắp mọi nơi.
Với cái nhìn đức tin của Đức Maria, không có công trình nào là uổng phí. Trong việc Phúc âm hóa, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã trải nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Chúng ta vẫn tiếp tục chăm sóc cho hạt giống đã gieo bằng lời cầu nguyện, bằng hy sinh và kiên nhẫn chờ đợi ngày giờ Thiên Chúa sẽ cho mọc lên. Đây là bài học căn bản cho sứ vụ truyền giáo mà chúng ta học được nơi Đức Maria.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Chọn sống yêu thương, hy sinh và khiêm tốn, như một cách truyền giáo của tôi.
- Mau mắn đáp lại và chia sẻ công việc phục vụ Chúa qua lời mời gọi của các Đấng bậc trong giáo hội.
- Sẵn sàng bớt chút thời gian quí báu để thăm viếng một người đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết ở lại trong Chúa và để Chúa ở lại với con, để con sống Tin Mừng với niềm vui. Xin giúp con biết nhạy cảm với những người đau khổ về thể xác và tinh thần, để con trở nên khí cụ bình an của Chúa: nơi thù hận, con đem đến tình yêu; nơi xúc phạm, con đem đến tinh thần tha thứ; nơi nghi kỵ, con đem đến niềm tin; nơi bất hoà, con đem đến sự hoà hợp; nơi thất vọng, con đem niềm hy vọng; nơi tối tăm, con đem đến sự sáng; nơi buồn sầu, con đem đến niềm vui…[5]
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”