Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 16,13-23)
“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”
(Mt 16,15)
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Để gọi tên một người, ta cần được biết về người đó. Để biết được biệt danh của một người và gọi người đó bằng biệt danh của họ, thì phải rất thân mới có sự đồng cảm với nhau, để cả hai người đều cảm nhận được biệt danh đó là một “tên gọi của tình yêu”, của sự thấu hiểu lẫn nhau. Khi gọi nhau bằng một biệt danh, cũng là ngầm xác định giá trị của người kia đối với mình, hay nói lên mối tương quan của mình đối với người ấy.
Chúa Giêsu – Ngài hiểu và biết rõ các môn đệ, và Ngài cũng muốn các ông hiểu và biết về Ngài, để từng người xác định mối tương quan cá vị với Ngài. Tuy nhiên, điều đó cũng khá tế nhị, vì chỉ trong bầu khí thân mật lắm, người ta mới có thể nói ra được. Do đó, sau một thời gian dài các ông được ở với Thầy, được nghe Thầy dạy dỗ, thấy các việc Thầy làm, đã đến lúc Thầy “kiểm tra” mức độ xác tín của các ông.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu quá tâm lý khi Ngài đặt câu hỏi đầu tiên có vẻ xa xa: “Người ta nói Con Người là ai?” Các môn đệ đã tranh nhau trả lời: “…là Gio-an Tẩy Giả, là Ê-li-a, Giê-rê-mi-a.”v.v… Rồi Chúa hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Bầu khí bỗng nhiên chùng lại! Câu hỏi này thật không dễ trả lời. Vâng, khi nói “chuyện người ta” thì rất dễ, nhưng câu hỏi trước chỉ là “nháp” thôi! Chúa muốn nghe chính các môn đệ nói lên cảm nghĩ và niềm xác tín của các ông vào Ngài.
Cho dù khó trả lời, Chúa Giêsu vẫn muốn được nghe câu trả lời từ các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta hôm nay. Vì sao vậy? Vì câu trả lời này rất quan trọng: nó định hướng cả cuộc sống và mối tương quan cá vị của mỗi chúng ta với Chúa Giêsu, cũng như thái độ của chúng ta đối với Ngài. Rất may, Phêrô đã lên tiếng thay cho cả nhóm: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Như thế, Thầy chính là Đấng mà muôn dân trông đợi, Thầy phải ở vị trí số 1 trong lòng toàn dân chứ không chỉ riêng chúng con.
Thế nhưng, “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Thầy không khen anh trả lời đúng, nhưng Thầy khen anh thật là người có phúc vì được Cha mặc khải cho anh biết về Thầy. Danh hiệu Kitô của Thầy không chỉ là một biệt danh, mà là tước hiệu nói lên cả sứ mạng của Thầy. Đáp án đúng của anh là một sự may mắn, vì chính anh chưa hiểu hết được những gì anh vừa nói. Chỉ khi chứng kiến cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Thầy, Phêrô mới thực sự thấu hiểu được ý nghĩa danh hiệu Kitô, và cũng chỉ khi đó anh mới không còn ngăn cản Thầy, không chối Thầy nữa, mà một lòng một ý theo Thầy, nên một với Thầy cả trong cái chết treo thập giá ngược.[1]
Khi Phêrô gọi “Thầy là Đấng Kitô”, thì ngay sau đó, ông cũng được Thầy gọi ông bằng một tên mới, một biệt danh mới, trong một ý nghĩa và tương quan mới: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Ngày hôm nay, Ngài vẫn muốn nghe mỗi người chúng ta gọi Ngài bằng một “tên gọi thân mật” theo cách của riêng tôi, riêng bạn, và Ngài cũng đã dành sẵn cho riêng mỗi chúng ta một cái tên thân mật, nếu chú ý lắng nghe, ta sẽ nghe được tên ấy.[2]
Được Chúa Cha mặc khải cho biết về Chúa Giêsu quả thật là một diễm phúc, và nhờ Phêrô, cả nhóm Mười Hai và chúng ta hôm nay cũng được kể vào số những người có phúc vì được nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Đức Maria là người có phúc hơn ai hết: chính sứ thần đã cung kính chào Mẹ là đấng “đầy ơn phúc”[3], vì Mẹ được Thiên Chúa mặc khải cho biết Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa – là Đấng Cứu Thế ngay từ giây phút sứ thần truyền tin.[4] Mẹ hiểu và tin, đồng thời Mẹ đã gắn bó cả cuộc đời với Chúa Giêsu cho đến chân thập giá.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi xác tín Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu chuộc tôi. Xác tín ấy đem lại những hệ quả:
– Tôi là người có phúc vì được Chúa Cha mặc khải Con của Ngài cho tôi, tôi hết lòng tạ ơn Chúa.
– Cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày, để được hiểu biết Chúa Giêsu sâu hơn, tin Ngài và theo Ngài sát hơn.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đưa con đến gần Chúa Giêsu hơn, để mỗi ngày con được thêm hiểu biết, thêm yêu mến và theo Ngài sát hơn. Xin cho con xác tín rằng: Ngài chính là Thiên Chúa của con, là Đấng cứu chuộc con, là tình yêu và lý tưởng của con, là tất cả và là cùng đích đời con. Amen
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
[1] http://daminhvn.net/tan-man-giai-tri/cac-tong-do-da-chet-cach-nao-13433.html
[2] X. Kh 2,17
[3] Lc 1,28
[4] X. Lc 1,31-33