fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 16,24-28)

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong năm 2018, đã có 19 Thánh lễ tuyên phong Chân phước được cử hành tại nhiều nơi. Đặc biệt, ngày 14/10/2018 Giáo Hội có thêm 7 vị Hiển thánh. Gần chúng ta hơn là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận – Ngài đã được Giáo Hội nhìn nhận là “Đấng Đáng Kính” ngày 04.05.2017. Các vị Thánh và chân phước này là ai vậy? Họ là những người có khả năng phi thường, tài giỏi xuất chúng ư? Không, họ là những người như chúng ta, như bao người khác đang hiện diện trên thế giới này. Điều làm cho họ trở nên đặc biệt đó là: họ đi theo Đức Kitô, mang lấy thân phận của Đức Kitô và để cuộc đời mình họa lại cuộc đời của Đức Kitô – Đấng họ yêu mến.

Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình – chứ không phải từ bỏ những gì bên ngoài mình! ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ chính mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước”[1]. Bỏ chính mình là những từ bỏ làm chúng ta đau đớn, là phải “đổ máu”, là để cho ý riêng và “cái tôi” chết đi cùng với những “cái của tôi”. Đó là cả một cuộc chiến đấu liên lỉ của mỗi người, nhưng sau đó, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, thanh thản vác thập giá hằng ngày của cuộc sống mình mà đi theo Chúa.

Hạnh phúc thay! chúng ta không phải chiến đấu một mình, vì Đức Giêsu đã mang lấy thân phận con người, để chia sẻ những đau khổ kiếp người như chúng ta, Ngài đã dùng chính cái chết và sự sống lại của mình để đánh bại tội lỗi và sự chết. Nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu, đau khổ và Thập Giá mang một ý nghĩa mới. Đau khổ vẫn có đó nhưng nó không còn là sự đày đọa đè bẹp con người. Trái lại, “đau khổ, nó là bước cần thiết nhưng chỉ là tạm thời. Đích đến của hành trình dương thế là nơi đầy ánh sáng như gương mặt của Chúa Kitô biến hình: nơi Chúa có ơn cứu độ, có mối phúc, có ánh sáng, có tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa.”[2] Như thế, đau khổ là phương tiện đưa ta đến cùng đích là Chúa Kitô Phục Sinh.

Các Thánh là những người đã chiếu tỏa vẻ đẹp rạng ngời trên khuôn mặt khi bước theo Đức Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi đi theo Đức Kitô trên con đường nên thánh vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh[3]. Sự nên thánh mà Chúa mời gọi chúng ta hôm nay ngang qua những cử chỉ nho nhỏ hằng ngày mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “tầng lớp thánh thiện bậc trung”. Ngài nói: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi những người cha người mẹ đang dưỡng dục con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam, người nữ làm việc cực nhọc để phụ giúp gia đình, nơi những người bệnh tật, nơi những tu sĩ cao niên mà không bao giờ đánh mất nụ cười trên môi. Tôi nhận thấy sự thánh thiện của Giáo Hội đang chiến đấu trong sự kiên trì của họ. Sự thánh thiện còn được tìm thấy nơi những người láng giềng ngay bên cạnh chúng ta. Họ chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa.”[4].

Mẹ Maria là Nữ Vương các thánh. Mẹ trở nên cao cả không phải vì đã làm những điều phi thường nhưng Mẹ đã làm những điều nhỏ bé với lòng yêu mến lớn lao. Khi được biết ý Chúa muốn Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ, Mẹ đã từ bỏ mọi dự tính, mọi ước muốn riêng tư, từ bỏ cả chính bản thân để tùy Chúa sử dụng theo ý Ngài. Qua tiếng “Xin Vâng”, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu và những khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày, Mẹ chăm sóc gia đình thánh gia, rồi âm thầm theo Chúa suốt thời gian Ngài đi rao giảng cho đến chân thập giá. Mẹ đã gắn bó với Thiên Chúa ngang qua những cử chỉ nho nhỏ hằng ngày.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Chúng ta hãy noi gương Mẹ để mỗi ngày sống trở nên ý nghĩa và đong đầy tình yêu hơn như lời kinh hòa bình ta vẫn hát:

“….tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời“.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu ngay trong đau khổ, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách nhất, chúng con vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, và làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Amen

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Sách Đường Hy vọng.
[2] ĐTC Phanxicô, bài huấn dụ trưa CN 17.3.2019
[3] Tông huấn hãy vui mừng và hân hoan số 19
[4] Tông huấn hãy vui mừng và hân hoan số 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *