fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 17,22-27)

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Tự do là một quyền rất quan trọng đối với con người trong mọi thời đại, nhất là ngày hôm nay, khi xã hội càng phát triển, đời sống con người được nâng cao thì việc đòi hỏi quyền tự do càng trở nên cần thiết. Bởi lẽ tự do là một trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho con người, để con người trở nên giống Ngài, là hình ảnh của Ngài.[1] Theo Breton Cordeiro:“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta sự tự do như một phần của phẩm giá mà Ngài dành riêng cho con cái loài người, để họ có khả năng làm chủ hành vi của chính mình”.[2]

Thế nhưng, con người đã sử dụng món quà tự do đó như thế nào? Chúng ta biết rằng: chính vì lạm dụng tự do mà nguyên tổ đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa, từ đó nảy sinh đau khổ và chết chóc.[3] Rồi sự lạm dụng tự do ấy cứ tiếp diễn mãi cho đến khi Con Thiên Chúa phải “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự”[4] để dạy ta cách đạt đến sự tự do đích thực.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu bảo ông Phêrô đi câu cá để lấy tiền nộp thuế Đền Thờ (x. c.27). Theo luật Do thái, “Bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số, từ hai mươi tuổi trở lên, sẽ phải nộp phần dâng cúng Đức Chúa.”[5] Do đó, việc nộp thuế là bổn phận đương nhiên của mỗi người đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu tự biết mình là Con Thiên Chúa, tất nhiên Ngài không phải nộp thuế, nhưng Ngài vẫn làm như mọi người “để khỏi làm cớ cho họ sa ngã” (c.27). Chúa đã hy sinh quyền lợi chính đáng của mình vì lợi ích của những người khác.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cũng cần biết hạn chế tự do của mình vì ích lợi của người khác. Như khi làm món ăn, cha mẹ cũng hạn chế những sở thích, để làm sao cho các con có thể cùng ăn với mình; trong việc vui chơi giải trí cha mẹ cũng tùy thuận các con… Những hy sinh đó không làm cho cha mẹ mất đi tự do, trái lại, họ thấy hạnh phúc hơn vì họ đã sử dụng tự do đúng cách.

Vì tình yêu, người ta sẽ tự nguyện lệ thuộc nhau mà vẫn thấy mình được tự do. Vì tình yêu, Chúa Giêsu cũng tự nguyện hiến mình trong hy tế thập giá để cứu chuộc con người. Ngài đã biết trước con đường ấy và Ngài tự nguyện bước vào: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” (c.22). Ngài đã chọn con đường vâng phục để đạt tới tự do trọn vẹn nhất và “chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”, và cho đến muôn đời, mọi loài phải tuyên xưng Ngài là Chúa.[6]

Mẹ Maria cũng đã đi cùng một con đường khiêm hạ ấy với Chúa Giêsu khi Mẹ vâng giữ trọn lề luật: Khi sinh con, Mẹ giữ luật thanh tẩy cho dù Mẹ không hề mắc tỳ ố vì việc sinh hạ Người Con Thánh này[7].

Mẹ vẫn chu toàn nghĩa vụ làm mẹ cách khiêm tốn vì biết rằng con của Mẹ cũng là Thiên Chúa của Mẹ. Tuy nhiên, biến cố Chúa Giêsu lạc mất 3 ngày năm Ngài 12 tuổi là một bài học sâu sắc cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục và tôn trọng tự do của con cái theo gương Đức Maria: Mẹ không dùng quyền của cha mẹ để trách mắng con cái, nhưng Mẹ hỏi và lắng nghe Con với tất cả sự tôn trọng – dù khó hiểu – để cùng Con giải quyết vấn đề: “Này Con, tại sao Con làm thế?”

“Trong sự kiện này, Maria đã sử dụng quyền của người làm cha mẹ để cùng con mình đặt lại một vấn đề quan trọng và đôi khi rất khó giải quyết của một trẻ vị thành niên. Cùng với Giuse, Maria đã đón nhận câu trả lời đầy thử thách của con mình như nhiều bậc cha mẹ khác. Nghĩa là họ phải chấp nhận bỏ ngỏ sự hiểu biết đối với con và đồng hành với con bằng dấu chấm hỏi mỗi lúc một lớn hơn, và coi đó là bước tiếp theo của ân sủng”.[8] 

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Ngày hôm nay, tôi cần học nơi Mẹ sự khiêm nhường và khôn ngoan, để phân định được những điều gì cần làm hay không nên làm trong sự tự do Chúa ban cho tôi, để mưu cầu lợi ích cho tha nhân, vì “Được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích.”[9]

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, con xin dâng lên Mẹ các gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt trong việc giáo dục con cái. Xin Mẹ ban ơn cho các người con biết hiếu thảo và vâng lời, và cho các bậc cha mẹ biết giáo dục con cái trong sự khôn ngoan và tôn trọng tự do lương tâm của con cái họ.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] X. GLHTCG số 1705.1730
[2] https://dongten.net/2018/10/02/tai-sao-thien-chua-ban-cho-con-nguoi-tu-do/
[3] X. GLHTCG số 1733
[4] Pl 2,6-8
[5] Xh 30,14
[6] X. Pl 2,9-11
[7] X. Lc 2,22.39
[8] https://dongten.net/2018/05/15/giao-hoi-trong-vong-tay-duc-maria-nguoi-me-nhan-ban-va-tu-do-thieng-lieng/
[9] 1Cr 10,23

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *