fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu. (Mt 18,15-20)

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã từng nhận định rằng: “Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ dạy “ăn ngay ở lành”, nhưng là tôn giáo cứu độ duy nhất.  Do đó, là một Kitô hữu, chúng ta không chỉ an phận với cuộc sống của riêng mình: “tôi sống tốt là đủ rồi”, nhưng phải luôn nhìn đến tha nhân, liên đới với cuộc sống của người khác để tất cả đều được cứu độ. Một trong những cách liên đới với anh chị em mình là giúp cho những ai đang lầm lỗi nhận biết được lỗi lầm của bản thân để sửa đổi. Đối với các tín hữu của Chúa, thì đây không chỉ là việc cần làm, mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác. Điều này ngôn sứ Edekien cũng đã đòi buộc cách quyết liệt: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”[1].

Thực tế cho thấy, việc sửa lỗi cho người khác là một việc rất khó làm. Vì tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, đầy tự ái và mặc cảm, một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Do đó, cách thức chúng ta sửa lỗi anh chị em là rất quan trọng. Làm sao để lời nói và thái độ của chúng ta khiến người lầm lỗi tâm phục khẩu phục và quyết tâm sửa đổi.

Chúa Giêsu dạy chúng ta chinh phục anh chị em lầm lỗi bằng con đường tình yêu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”(c.15). Chỉ có hai người với nhau, trong yêu thương và chân thành, người anh em vẫn thấy mình được tôn trọng sẽ dễ dàng khiêm tốn nhận lỗi và sửa đổi. “Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em”. Nhưng có lẽ sức chinh phục mạnh nhất phải xuất phát từ gương sống của bản thân, vì: “Thế giới ngày nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy”[2]  và hơn nữa: “lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy là chứng nhân, là hiện thân của lòng thương xót Chúa đối với anh chị em mình, nhất là khi sửa lỗi cho họ.

Để được như vậy, chúng ta cần trải qua một quá trình thanh luyện bản thân khỏi những thành kiến và ác cảm tự nhiên vốn có đối với anh chị em, phải lội ngược giòng để hoán cải bản thân khỏi những tư tưởng xấu, những lời nói chướng tai và càng phải chiêm ngắm học hỏi gương Chúa Giêsu để có lòng hiền hậu và khiêm nhường[3]. Chỉ khi thấm nhuần sự dịu hiền khiêm tốn của Chúa, ta mới có thể chạm đến tâm hồn người khác, đi vào tương quan nghĩa tình và sống với nhau bằng tấm lòng quảng đại, thứ tha.

Chỉ khi cảm nhận được sự tôn trọng, tế nhị, chân thành và lòng trắc ẩn thì người lẫm lỗi mới có khả năng thay đổi. Nói cách khác, việc sửa lỗi chỉ thực sự đem đến hiệu quả khi nó được thúc đẩy bởi tình yêu.

Chúng ta chiêm ngắm con đường tình yêu của Mẹ Maria: Mẹ khiêm tốn thưa với Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”[4], Mẹ rộng mở để đón nhận Phêrô khi ông chối Chúa, đón nhận các tông đồ khi bỏ Chúa, Mẹ ôm trọn Giáo Hội đang lữ hành trong ánh sáng xen lẫn bóng tối. Trong nhiều lần hiện ra khác nhau, Mẹ luôn dịu dàng và ân cần nhắc nhở con cái mình sửa đổi cách sống cho đẹp lòng Chúa. Năm 1830 khi hiện ra với chị Catarina Laburê, Mẹ đã cảnh báo những vi phạm quy luật của các nữ Tử Bác Ái và mời gọi hoán cải. Năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ nhỏ ở Fatima, Mẹ cũng tha thiết kêu gọi con cái cải thiện đời sống, năng lần hạt Mân Côi… Mẹ dạy chúng ta sự dịu hiền của lòng mến có sức xoa dịu, biến đổi tất cả và làm bừng lên ngọn lửa của niềm hy vọng

Sống Tin Mừng với Mẹ
Noi gương Mẹ Maria, người mẹ của sự cảm thông và tha thứ:

  • Tôi luôn suy nghĩ tích cực, nói tốt và làm điều tốt cho tha nhân.
  • Khi sửa lỗi người khác: trước hết tôi cầu nguyện cho họ, gặp gỡ họ trong sự tôn trọng, tế nhị và khiêm tốn.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria – Mẹ của lòng trắc ẩn, Mẹ thấu suốt tâm hồn của mỗi người và không ngừng chuyển cầu, hướng dẫn chúng con đến với Chúa. Mẹ nhẹ nhàng với những lỗi lầm của chúng con và giống như Chúa, Mẹ không cầm giữ bất cứ điều gì. Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết mở lòng ra với Thiên Chúa và với anh chị em để cuộc sống của chúng con luôn là lời chứng về sự hiện diện lòng thương xót của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] Edekien 3, 7 –
[2] ĐTC Phaolô VI. Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41
[3] Mt 11,2
[4] Lc 1, 38

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *