fbpx

BÁC ÁI TRONG SỰ THẬT – SỰ THẬT TRONG BÁC ÁI

“Sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu.” (Eph 4,15)

Nếu để chọn ra một bộ phim truyền hình Việt Nam thành công nhất trong thời gian gần đây thì chắc hẳn đối với nhiều người đó sẽ là bộ phim “Về Nhà Đi Con”. Nhờ vào kịch bản lôi cuốn, sự vào vai xuất sắc của các diễn viên, 85 tập phim đã lấy được rất nhiều cảm xúc của người xem. Nội dung của phim xoay quanh các vấn đề mà chính các gia đình đang gặp phải hiện nay: từ vấn đề hôn nhân vợ chồng, đến vấn đề tình cảm tuổi mới lớn và đặc biệt là vấn đề giáo dục con cái. Những vấn đề không phải là mới những luôn cần phương cách toàn diện để đối diện và biến đổi.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Giáo hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho gia đình, trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở đầu bằng một lời khẳng định : “Niềm vui yêu thương mà các gia đình vốn cảm nghiệm cũng là niềm vui của Giáo Hội”. Trong tâm thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016, Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã đề ra và tiến hành một lộ trình mục vụ cho 3 năm (2017-2019) để đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn ở ba khía cạnh khác nhau.

Thực vậy, “Gia đình” chính là món quà cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Gia đình còn được gọi bằng hai tiếng rất thân thương: Mái ấm, là nơi được Đức Thánh Cha mời gọi để trở nên như là một Hội Thánh tại gia, ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục. Tiếc thay, rất nhiều gia đình hiện nay không thể đáp lại lời kêu gọi đó, họ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái. Trên thực tế, không ít những người trẻ hiện nay đang sống xa rời những giá trị Tin Mừng, tôn thờ những ngẫu tượng như hưởng thụ vật chất, thần tượng giải trí, văn hóa tự do thái quá…. vốn dĩ là căn nguyên của tội lỗi. Đáng lo ngại hơn, tương quan giữa các thành viên trong gia đình không bền chắc, dẫn đến tình trạng “mạnh ai người đấy sống”, gia đình không còn là nơi tình yêu và lòng thương xót được thể hiện, không còn là nơi tìm về của những tâm hồn yếu đuối và mệt mỏi sau những va vấp, sóng gió trong cuộc sống. Không ít những người trẻ rất tài năng và thành công trong xã hội nhưng tâm hồn luôn cảm thấy trống vắng và bấp bênh, họ không có người để giãi bầy tâm sự, để chia sẻ, để thấu hiểu, nên không ít bạn tìm đến các trang mạng xã hội như Facebook hay Youtube….để giải tỏa những nỗi buồn phiền, âu lo.

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đang dành sự quan tâm đặc biệt cho việc giáo dục con cái với hy vọng chúng có một tương lai tươi sáng sau này. Cuộc sống vật chất trong những năm gần đây tốt hơn rất nhiều, giúp các phụ huynh có nhiều điều kiện cho con cái phát triển các kỹ năng và kiến thức. Nhưng cũng chính vì dành thời gian quá nhiều vào việc tìm kiếm vật chất, các phụ huynh bỏ bê và lãng quên việc hướng dẫn con cái tìm kiếm cùng đích của cuộc đời là Thiên Chúa. Các thực hành đạo đức như giờ đọc kinh chung trong gia đình, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn hay trước mỗi biến cố của cuộc đời, tìm hiểu Kinh Thánh, hạnh các Thánh, thăm hỏi và giúp đỡ những người khó khăn …không được chú trọng và duy trì.

 Bên cạnh đó, không thể không kể đến, sự thờ ơ trong việc giám sát và sự thiếu nhận thức về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng các thiết bị công nghệ đã đẩy không ít trẻ em, thanh thiếu niên đến những hình thức giải trí có nội dung rất nhảm nhí và độc hại. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn dùng các nội dung video trên các mạng xã hội như là phương tiện để dỗ dành, mặc cả với trẻ em, cái tuổi mà tiềm thức cũng như nhân cách đang được định hình và phát triển. Như vậy, giáo dục tuy được quan tâm nhưng lại chưa được nhận thức đầy đủ, vô tình đưa trẻ em vào một vòng xoáy học tập và cuộc đua hơn thua mà nhiều khi là để thực hiện những ước mơ của cha mẹ hơn là các mong muốn và năng lực của con.

 Giáo dục, tiếng Anh hay Pháp đều là Education. Education là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere”: Ex là vượt ra ngoài. Ducere là dẫn  con người; “Ex-Ducere”, Education, hay tiếng Việt là “giáo dục” là lôi ra, làm cho các tiềm năng vốn có sẵn trong người đó, bung ra được và phát triển để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. Trong khi đó, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc- UNESCO đưa ra bốn trụ cột của giáo dục đó là: Học để chung sống, học để biết, học để làm và học để tồn tại.

 Còn đối với người Kitô hữu thì giáo dục không chỉ nhằm giúp con người được trưởng thành về nhân bản như vừa trình bày, nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã được rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã nhận lãnh trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Eph 4,22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Eph 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể.[1]

 Vào giữa thế kỷ thứ 4, tại Bắc Phi, có một chàng thành niên rất thông minh và ham học. Anh đạt được rất nhiều thành công trên con đường học vấn của mình, nhưng cũng chính những thành công ấy đã dẫn anh đến chỗ  bị chìm đắm trong đam mê xác thịt, trong tiền bạc và quyền lực tiếng tăm, tâm hồn bị nô lệ bởi tội lỗi. May thay, anh có một người mẹ hết sức thánh thiện và đạo đức, khi biết được con trai mình sống tội lỗi, bà đã kiên trì cầu nguyện, chịu đựng biết bao đau khổ, và cuối cùng lời cầu nguyện của bà đã được Chúa nhận lời, con trai bà đã sám hối, trở lại đạo và sống đạo sốt sắng…Chàng thanh niên đó chính là thánh Augustinô, và mẹ Ngài là thánh Monica, hai vị Thánh được Giáo hội mừng kính hàng năm trong hai ngày liên  tiếp vào cuối tháng tám.

 Cuộc đời của thánh Augustinô chính là một cuộc hành trình lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là đầu[2]. Trên hành trình này nổi lên thật rõ bóng dáng của mẹ Mônica, người luôn đi bên cạnh con trai mình. Bà thật là tấm gương cho các bậc cha mẹ thương con thật sự, biết theo đuổi các giá trị bền vững và toàn vẹn để giáo dục con theo tinh thân Kitô giáo. Đó chính là “bác ái trong sự thật và sự thật trong bác ái”. Mong sao có được nhiều bậc phụ huynh MONICA cho thời đại hôm nay! Vườn hoa Giáo Hội sẽ thêm nhiều sắc mầu làm rạng danh Thiên Chúa. Mong thay!


[1] Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 2
[2] Eph 4,15

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *