fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan. (Ga 3,13-17)

 “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy…”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Chúng ta tuyên xưngVinh quang của ta là Thánh Giá Ðức Ki-tô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta…”[1] Đó là điều mà những người ngoài Kitô giáo không tài nào hiểu được.

Thập giá quả là một nghịch lý. Thập giá trước hết chỉ là một nhục hình dành cho những tội phạm nặng nề nhất, là sự sỉ nhục và tàn ác nhất mà con người dành cho nhau. Thế nhưng, từ khi Con Thiên Chúa đã đón nhận cây thập giá cùng những sự dữ gắn liền với nó, Ngài đã chiến thắng và thánh hóa cây thập giá, để từ đó, thập giá trở thành Thánh Giá mang lại nguồn hy vọng, sự sống và vinh quang.

Xưa kia trong sa mạc, khi dân chúng phàn nàn, kêu trách Chúa và sau đó họ bị rắn độc cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cầu cứu với Môsê. Với lòng thương xót, Chúa truyền cho ông Môsê làm con rắn bằng đồng và treo lên cao. Bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi.[2] Đó là hình ảnh báo trước của Thập Giá Đức Kitô: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (c.14-15).

Người Kitô hữu không thể tin vào Ðức Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Chúng ta tôn vinh Thánh giá là phương tiện cứu rỗi. Chúng ta hãnh diện mang lấy biểu hiệu của Thánh giá,  và học nơi thánh giá bài học của TÌNH YÊU: Chúa Giêsu đã dùng thánh giá để biểu lộ tình yêu của Chúa Cha và của chính Ngài cho chúng ta. Chớ gì chúng ta cũng biết tận dụng những thánh giá trong cuộc sống hằng ngày, để diễn tả tình yêu của ta đối với Chúa và với anh chị em mình, đồng thời biến đổi thánh giá thành dụng cụ của sự toàn thắng và ơn cứu độ. Thánh giá chính là những khó khăn, vất vả, những trái ý trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta.

Nơi hy tế thập giá, Đức Giêsu đi đến tột đỉnh của lòng vâng phục Chúa Cha, đến tột đỉnh của tình yêu nhân loại và tột đỉnh của tình yêu tự hiến: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.[3] Thập giá Đức Kitô dẫn chúng ta đến tận suối nguồn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy được biểu lộ cách đặc biệt trong cuộc khổ nạn và cái chết đau đớn, nhục nhã bất công trên thập giá của Chúa Giêsu. Một tình yêu sẵn sàng dâng hiến tất cả và trọn vẹn, chấp nhận mọi đau khổ, để tha thứ và đền thay tội lỗi nhân loại. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.”[4] Thật là một cuộc “đọ sức thi tài” giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự độc ác của lòng dạ con người.

Ơn cứu độ đến với loài người nhờ Thánh Giá và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Hai mầu nhiệm Thánh Giá và Phục Sinh không thể nào tách rời được. Không có Thánh Giá, không thể có Phục Sinh. Không có Phục Sinh, thánh giá là vô nghĩa và không thể có sự sống vĩnh cửu. Phục Sinh là sự toàn thắng của thập giá.

Khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta luôn thấy có bóng dáng Mẹ Maria. Mẹ luôn hiện diện bên Chúa Giêsu trong mọi biến cố của cuộc sống và đặc biệt dưới chân thánh giá. Nếu như cả cuộc đời Đức Giêsu đều hướng đến hy tế trên thập giá, thì có thể nói: cả cuộc đời Mẹ cũng luôn hướng về hy tế cứu độ. Khi thưa tiếng Xin Vâng, Mẹ đã sẵn sàng hiến tế chính mình cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt, khi nghe lời tiên báo của cụ già Simêon, Mẹ đã đau trước – nỗi đau mà chính Con của Mẹ sau này phải chịu – để cứu độ nhân loại. Từ đó, từng ngày, Mẹ cùng với Chúa Giêsu tiến về núi sọ. Mẹ đã hiệp thông cách đặc biệt với Chúa Giêsu để đem ơn cứu độ cho tất cả chúng ta.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ,

  • Tôi sẵn sàng trở nên sứ giả của lòng thương xót Chúa để làm cho hạt giống thương xót nẩy mầm trong tâm hồn tôi cũng như trong những người tôi gặp gỡ tiếp xúc.
  • Vui nhận những trái ý, những bất công và kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ. Nhờ Mẹ, lòng thương xót của Chúa được đổ tràn trên chúng con. Ước gì mỗi ngày, chúng con biết lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau. Xin Mẹ dẫn dắt những ai đang lạc bước được nhận ra tình yêu cứu độ của Chúa và tình mẫu tử của Mẹ, để họ biết hoán cải và trở về với Chúa, cùng Mẹ ca tụng Chúa muôn đời.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


[1] Lm Hoàng Kim
[2] Ds 21:4b-9
[3] Pl 2:8
[4] Rm 5,20

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *