fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,38-42)

“Matta! Matta ơi!…Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” 


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng có những người bạn thân, như gia đình ba chị em Matta, Lazarô và Maria tại làng Bêtania mà thánh Luca thuật lại. Khi đến với gia đình này, Chúa đã được đón tiếp rất nồng hậu và thân tình, nhưng với những cung cách rất khác nhau.

Anh Lazarô thì đồng bàn và ăn uống với Chúa[1]. Maria “ngồi dưới chân Chúa” – đó là thái độ của người môn đệ đối với Thầy[2], và “nghe Lời Người dạy” là bổn phận đầu tiên của người môn đệ[3]. Nhờ ngồi dưới chân và nghe lời Thầy dạy, người môn đệ học biết phải sống cho phù hợp với ý muốn của Thầy.

Còn Matta, với tư cách là người nội trợ trong nhà, cô làm tiệc chiêu đãi Chúa. Matta đã đón Chúa theo ý riêng của mình. Cô mải chạy theo công việc mà quên một điều quan trọng hơn đó là tìm hiểu xem Chúa mong đợi điều gì nơi cô. Vì vậy, thay vì ngồi chuyện vãn với Chúa, cô lăng xăng làm việc và ganh tỵ với Maria. Không những thế, cô còn xin Chúa can thiệp để bảo Maria giúp đỡ mình, cô muốn Maria cũng tiếp đón Thầy theo cách của cô. Như thế – Chúa sẽ ngồi nói chuyện với ai đây?

Đức Giêsu đã đưa ra một nhận định rất rõ ràng cho Matta cũng như cho mỗi người chúng ta: Việc tiếp đón Chúa chu đáo và đúng nghĩa nhất là lắng nghe Lời Chúa dạy, còn mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Lời Đức Giêsu khiển trách Matta: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” (c.41) cho chúng ta biết giá trị ưu tiên là lắng nghe Lời Chúa như Maria đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả. Như vậy, những ai tiếp đón Chúa cần phải lắng nghe, sau đó là phải thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống[4].

Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu không coi trọng việc phục vụ của Matta. Đời sống của người Kitô hữu là phải thống nhất giữa cầu nguyện và hoạt động. Matta phải đi đôi với Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Dùng đôi tay để phục vụ Chúa là quan trọng, nhưng dùng đôi tai để lắng nghe Lời Chúa thì quan trọng hơn. Mỗi lần rước Chúa vào lòng, chúng ta đã chọn phần tốt nhất như Maria (c.42), hay chúng ta lại lăng xăng và lo lắng nhiều chuyện như Matta (c.41)? Mỗi khi viếng Thánh Thể, chúng ta có lắng nghe và chiêm ngắm Chúa hơn là đọc hết các kinh cho “xong việc” rồi ra về mà không nghe được Chúa nói gì với lòng mình?

Là người được diễm phúc đón tiếp chính Chúa đến nơi cung lòng mình, Mẹ Maria đã lắng nghe từng biểu hiện nhỏ nhất của Chúa ngay từ khi Chúa còn trong lòng Mẹ, và Mẹ đã đáp lại những điều Chúa muốn bằng sự phục vụ một cách âm thầm nhưng rất hữu hiệu, để chăm sóc Chúa từng li từng tí, từ miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ đồng hành với Chúa trong từng niềm vui, nỗi buồn, từng nụ cười và giấc ngủ bình yên… không những thế, Mẹ còn là người môn đệ của Chúa trong đức tin, vì Mẹ đã luôn lắng nghe thánh ý Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, để thi hành cách trọn vẹn và chu đáo. Nhờ đó, Chúa Giêsu đã khen ngợi và đề cao mẫu gương của Mẹ cho các môn đệ của Người và cho chúng ta noi theo, để được gia nhập vào gia đình thiêng liêng của Chúa: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”[5].

Sống Tin Mừng Với Mẹ:

  • Theo bước Mẹ và Maria, tôi:
  • Siêng năng cầu nguyện với Lời Chúa trước Chúa Giêsu Thánh Thể.
  • Thực hành những điều được Chúa soi sáng trong cuộc sống thường nhật.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống một đời đẹp ý Chúa và được phúc cưu mang Ngôi Lời, Mẹ càng đẹp lòng Chúa hơn nhờ lắng nghe, dõi theo và suy đi nghĩ lại mọi Lời dạy dỗ của Chúa Con. Xin Mẹ cũng cho chúng con biết noi theo những nhân đức của Mẹ, biết dùng thời giờ Chúa ban để đến với Chúa, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và đem thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Nhờ đó chúng con cũng được Chúa kể vào số những người đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


[1] X. Ga 12,2
[2] Lc 8,35; Cv 22,3
[3] Lc 6,47
[4] Lc 6,47
[5] Lc 8, 21

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *