✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,1-4)
“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Cầu nguyện là một việc thực hành trong hầu hết các tôn giáo, nó thể hiện cách tương quan giữa con người với Đấng mà người ấy tôn thờ. Có thể nói: cầu nguyện là một nhịp cầu nối kết giữa con người với Thần linh của họ. Có nhiều hình thức cầu nguyện, có khi là bày tỏ một ước muốn và tự nguyện cam kết sống điều mình muốn bằng hành động cụ thể. Có khi cầu nguyện bằng những lời kinh được soạn sẵn, nhưng việc đọc thuộc lòng dễ mang tính cách thụ động, nếu không kết hợp suy gẫm chúng ta dễ rơi vào tình trạng đọc cách máy móc, theo thói quen.
Tin Mừng hôm nay kể rằng: khi Chúa Giêsu cầu nguyện xong thì có môn đệ đến “xin dạy chúng con cầu nguyện”. Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ kinh Lạy Cha, tuy cách thánh sử Luca trình bày có khác đôi chút so với kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn đọc theo Phúc Âm Thánh Mátthêu, nhưng cả hai cùng là một lời kinh duy nhất do chính Chúa Giêsu dạy.
Từng câu một trong lời nguyện của Đức Giêsu dạy đều có những mong ước và mở ra những cam kết hành động để ta thực hành sống điều mong ước đó, cũng như mỗi điều đều có liên hệ với những điều khác. Như thế, cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha là một thách đố vì nó đòi chúng ta phải có những hành động để thực thi điều cầu mong.
Trước hết, ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và chúng ta là “chúng con”, điều đó đòi hỏi một hệ quả là chúng ta phải biết sống yêu thương nhau vì chúng ta cùng là con của Cha. Và nếu “Nước Cha trị đến” là điều chúng ta mong ước thì cũng là điều Chúa Cha muốn phải được thực hiện – đó là lý do Ngài sai Con của Ngài đến trong thế gian. Vậy, nếu triều đại hay “Nước” của Ngài đến thì thế giới này sẽ ra sao? Khi đó lề luật của Ngài sẽ được tôn trọng trong lòng mỗi người và trong liên hệ giữa con người với nhau. Khi đó, mọi người tự nguyện sống theo lề luật của Thiên Chúa giữa một thế giới tự do, công bằng, và bình an.
Chúng ta không thụ động chờ Chúa mang triều đại của Ngài đến, vì chúng ta không chỉ “cầu” mà còn “nguyện” nữa. Nguyện ở đây là chúng ta cam kết dấn thân vào công việc mang “Nước Chúa” đến trong thế gian này. Đó là ý nghĩa chính của những người môn đệ của Đức Giêsu Kitô – thực hiện ý Chúa là giúp cho “Nước Chúa” được hiển trị nơi ta sống.
Nhìn vào cuộc đời Đức Maria, chúng ta thấy Mẹ là người thực hiện ý Chúa không những trong lời nói “Xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền”[1], mà Mẹ còn chấp nhận cưu mang trong chính lòng mình Con của Thiên Chúa. Đó là cả một sự mạo hiểm, vì luật lệ Do Thái khi đó dành cho những người “chửa hoang” là án tử hình bằng cách ném đá. Mẹ không chỉ ấp ủ Thánh Tử trong lòng mà còn mang Thánh Tử đến gặp hài nhi trong lòng bà Isave, khiến hài nhi ấy nhảy mừng vì triều đại của Thiên Chúa đã ló dạng. Mẹ có mặt trong tất cả những biến cố của Đức Giêsu trong công trình cứu chuộc. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ tiếp tục đồng hành với những môn đệ của Người để “Nước” của Chúa Cha tiếp tục rộng mở. Như thế, Mẹ là môn đệ đầu tiên và tuyệt hảo nhất của Đức Giêsu vì Mẹ không chỉ “nghe”, “suy gẫm trong lòng”, mà còn làm cho Nước Chúa hiển trị.[2]
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi
- Sống bổn phận hiếu thảo với Chúa bằng việc thờ phượng và vâng phục ý Chúa, sống bác ái với mọi người.
- Ý thức hơn mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, để tôi không tự mãn cũng không mặc cảm tự ti, và biết tôn trọng tất cả mọi người.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, con thường chỉ đọc kinh mà không cầu nguyện, cho dù con vẫn coi mình là môn đệ của Chúa Giêsu, con vẫn đọc chính lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã dạy nhưng lòng con lại không gẫm suy. Xin Mẹ ban cho con lòng trí của Mẹ, để con biết suy gẫm điều con cầu xin và tìm ra con đường tích cực tham gia vào công cuộc mở rộng Nước Chúa, bằng thái độ, lời nói, và hành động của con đối với người thân, bạn hữu, cộng sự viên, và với cả những người con không hề quen biết. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Lc1, 38
[2] X. Lc 2,19. 51; 8,19-21