KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 18,1-8)
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Để thành công trong cuộc sống, người ta phải kiên trì: “có công mài sắt có ngày nên kim.” Đời sống thiêng liêng cũng vậy, người Kitô hữu cần bền bỉ nhất là trong việc cầu nguyện, vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Thiếu đời sống cầu nguyện, linh hồn sẽ chết. Chính vì thế, Chúa Giêsu dạy ta “cầu nguyện luôn và không ngừng”.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một bà góa nghèo, không có tiếng nói trong xã hội Do Thái. Bà bị người ta chèn ép oan ức, không có tiền chạy chọt để được minh oan, không có ai để cậy nhờ, nương tựa. Vũ khí duy nhất bà có là sự kiên trì, dai dẳng đeo bám để kêu oan. Hành động của bà không làm ông quan tòa bất lương động lòng trắc ẩn, nhưng làm ông đau đầu nhức óc và ông đã xét xử cho xong chuyện.
Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài lấy lòng nhân từ và công minh để đối xử với chúng ta. Ngài không xét xử cho xong chuyện như ông quan tòa, Ngài sẵn sàng đáp lại mọi lời cầu xin của chúng ta, và thích được chúng ta “quấy rầy”. Ngài đảm bảo với chúng ta rằng: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy…”[1] Chỉ cần chúng ta kiên trì tin tưởng tuyệt đối, phó thác tuyệt đối, cậy trông tuyệt đối thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không làm ngơ trước nhu cầu của chúng ta.
Nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta cảm thấy chán nản, mất kiên nhẫn vì hình như Chúa im lặng trước những lời cầu nguyện của mình. Chúng ta hãy thành tâm xét lại lời nhắc nhở của thánh Giacôbê: “Anh em không có là vì anh em không xin, anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý.”[2] Vậy, khi cầu nguyện, chúng ta hãy luôn xin điều đẹp lòng Chúa, nghĩa là xin cho ý Chúa được thể hiện. Đó cũng chính là mục đích của việc truyền giáo mà Giáo Hội mời gọi chúng ta trong Chúa Nhật hôm nay.
Chúng ta không thể truyền giáo nếu không có cầu nguyện. Cầu nguyện là việc truyền giáo hữu hiệu nhất. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ sống trong dòng kín nhưng lại trở thành vị tông đồ truyền giáo vĩ đại nhờ cầu nguyện.
Truyền giáo bằng cách nói về Chúa, hoặc bằng chính đời sống yêu thương, bác ái, và gương sáng trong đời sống thường ngày giữa những người chưa được nghe biết Tin Mừng, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” [3]
Hàng trăm năm trước, ở một vùng núi xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Yên Bái, có mấy người Dân tộc H’mông trong bản làng cất công lặn lội xuống miền xuôi học đạo. Khi về bản, họ trở thành những giáo lý viên dạy đạo lại cho người khác. Cứ như thế, họ truyền cho nhau và cho con cháu ngọn lửa đức tin suốt thời gian dài hàng thế kỷ, cho dù không có Linh Mục, Tu sĩ nào hiện diện với họ. Mỗi năm chỉ một, hai lần có thánh lễ vào các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh… Họ đã trở thành “Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”[4] nơi chính bản làng của họ.
Mẹ Maria, nhà truyền giáo đầu tiên gợi hứng cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Sau khi đón nhận Ngôi Hai trong lòng, Mẹ đã vội vã đem Chúa đến với người chị họ. Khi gặp Mẹ, bà Elisabet đã reo lên: “…Này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”[5] Mẹ không chỉ làm cho bà Elisabet, Gioan Tẩy giả nhảy lên vì vui mừng, Mẹ còn làm hoan hỷ tất cả mọi tâm hồn nhân thế vì Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho thế giới này. Nhờ Mẹ mà nhân loại được an vui, hạnh phúc và nhất là được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
- Tôi lần chuỗi Mân côi mỗi ngày, cầu nguyện cho việc truyền giáo.
- Sống tinh thần truyền giáo mọi nơi mọi lúc, bằng lời nói và đời sống bác ái, vị tha.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, chúng con thường lơ là đời sống cầu nguyện, chỉ vì chúng con kém đức tin, thiếu lòng yêu mến Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con đến gần Chúa hơn, kết hiệp với Chúa thâm sâu hơn, yêu mến Chúa hơn nữa để có thể làm cho người khác nhận biết và yêu mến Chúa như Mẹ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Mt 7,7
[2] Gc 4, 2-3
[3] Ga 13,35
[4] Mt 5, 13-14
[5] Lc 1,44