✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 17,11-19)
“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Còn chín người kia đâu?…”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Lòng biết ơn là giá trị cốt yếu nhất của một đời người, vì nó nhắc nhở con người về chân lý nền tảng của cuộc sống, đó là sự sống không tự nhiên mà có. Tôi không tự mình mà hiện hữu, tôi không tự mình mà nên người. Tôi không thể sống mà không cùng hiện hữu với người khác. Tôi không thể hạnh phúc mà không cần nhờ đến người khác[1]. Do đó từ tấm bé, cha mẹ đã dạy chúng ta điều căn bản đầu tiên là phải thể hiện lòng biết ơn: Cám ơn Chúa đi con! Cám ơn ông/bà ạ!…
Trong Tin Mừng hôm nay, cả mười người phong cùi đều được Chúa chữa khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người biết trở lại cám ơn Chúa, và người đó lại là một người ngoại. Điều ấy khiến cho Chúa Giêsu buồn lòng và thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (c.17-18).
Câu hỏi của Chúa Giêsu cũng chất vấn mỗi người chúng ta về việc sống lòng biết ơn mỗi ngày. Chúng ta đã nhận biết bao hồng ân của Chúa: được sinh ra trên cõi đời này, được hít thở không khí trong lành, được mặt trời chiếu sáng, nước để uống, lương thực để ăn,… Đối với người Kitô hữu thì “lòng biết ơn là trung tâm của đức tin”[2] vì hồng ân được làm con cái Thiên Chúa, được hưởng ơn cứu độ qua các bí tích nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá…
Vậy chúng ta phải biết ơn và đáp trả ơn Chúa như thế nào cho xứng hợp? Thánh lễ mỗi ngày là một dịp để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng “…thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”[3]. Do đó, việc nhận ra ơn Chúa ban và biết tạ ơn Chúa trong từng ngày sống sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc. Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được, thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi. Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.”[4]
Đôi khi chúng ta buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được và nhất là thiếu tâm tình tạ ơn. Chúng ta cần biết tạ ơn Chúa khi vui, và cả khi gặp những điều không như ý chúng ta nữa, như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Tất cả đều là hồng ân của Chúa”, vì tất cả những gì Chúa cho phép xảy đến đều có ích cho phần rỗi của chúng ta.
Đức Maria là một mẫu gương sống tuyệt hảo cho chúng ta về tâm tình biết ơn. Suốt cuộc đời Mẹ là một chuỗi ngày lắng nghe, thực hành lời Chúa và không ngừng cảm tạ tri ân. Sự chọn lựa để Xin Vâng theo thánh ý Chúa cũng diễn tả tâm tình tri ân của Mẹ: Mẹ biết ơn Chúa vì mọi ân huệ Chúa ban, và vì Chúa đã tin tưởng trao phó Con yêu dấu của Người cho Mẹ.
Bài ca Magnificat gói trọn tâm tình tri ân và tin yêu phó thác của Mẹ đối với Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi… Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh người thật chí Thánh chi tôn…”[5]. Bài ca tạ ơn đó đã luôn ngân lên từ môi miệng của Mẹ trong mọi hoàn cảnh và ước chi vẫn tiếp tục ngân vang trong tâm hồn mỗi người tín hữu hôm nay. Ngạn ngữ Pháp nói: lòng biết ơn là “trí nhớ của con tim”. Mẹ Maria đã cảm nếm hạnh phúc khi được ơn và đồng thời bày tỏ tâm tình tạ ơn cách cụ thể bằng một đời sống thực thi theo điều Chúa dạy.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi
- Tham dự thánh lễ mỗi ngày và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, cách riêng tối trước khi ngủ và sáng thức dậy.
- Mỗi ngày lần 10 kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt những người đã yêu thương và xây dựng cuộc đời tôi.
Cầu nguyện với Mẹ:
Hát kinh Magnificat để cùng Mẹ tạ ơn Chúa.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Sách Lời Chúa và Cuộc sống
[2] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Niềm vui yêu thương.
[3] Kinh Tiền Tụng IV
[4] 1 Tx 5, 18
[5] Lc 1, 46 – 56