fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 17,20-25)

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Suốt dòng lịch sử, dân tộc Do thái luôn mang trong lòng nỗi khao khát và niềm hy vọng về thời của Đấng Mêsia. Vì theo lời Thiên Chúa hứa với ông Môsê: Ngài sẽ ban cho Dân một vị Ngôn sứ như ông, để dẫn dắt Dân của Người[1]. Nỗi mong chờ ấy càng cháy bỏng hơn vào thời Chúa Giêsu, khi họ bị Đế quốc Rôma đô hộ. Họ trông chờ Đấng Mêsia đến để giải thoát họ khỏi sự nô lệ, và khai mở triều đại Thiên Chúa trong sự hòa bình.

Chúa Giêsu đã đến. Ngài chính là Đấng Mêsia mà họ trông chờ, nhưng họ lại không nhận ra Người. Bởi lẽ, họ hình dung Người sẽ giải thoát họ về phương diện trần thế bằng việc đánh đuổi ngoại xâm và lập quốc theo cách của họ. Họ không nhìn thấy được sự giải thoát mà Người đem lại cho con người về phương diện tâm linh như Kinh thánh đã báo trước về thời của Đấng Cứu Thế: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”[2].

Chính vì Nước Thiên Chúa được khai mở trong lòng những ai tin vào Người nên những kẻ không tin sẽ không thể nào thấy được: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được” (c.20). Chỉ những người đã thực sự tiếp xúc với Chúa Giêsu, như Mátthêu người thu thuế được biến đổi thành tông đồ, Giakêu tự nguyện thay đổi đời sống, người phụ nữ Samari thành người loan báo Đấng Mêsia, những phụ nữ đã được Chúa trừ quỷ và chữa bệnh thì đi theo và giúp đỡ Chúa và các môn đệ[3]. Và còn biết bao những con người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật được Ngài chữa lành và biến đổi từ trong tâm hồn khi Ngài nói với họ: “Lòng tin của con đã cứu chữa con[4]” và “Con hãy về bình an”.

Chúa Giêsu đang hiện diện ở giữa họ, Người là Đấng làm cho Nước Thiên Chúa đến và Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Chính vì thế, Người nói: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c.21). Người vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta hôm nay như Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”[5]

Chúa Giêsu không chỉ hiện diện trong thế giới và trong Giáo Hội, Ngài còn hiện diện trong tâm hồn mỗi người và Ngài hằng mong muốn chúng ta nhận ra Ngài, để cho Ngài chạm đến và biến đổi tận cõi lòng chúng ta. Ước gì mỗi khi tiếp rước Thánh Thể Ngài, chúng ta biết để cho Ngài chạm đến những vết thương sâu kín trong lòng mình để Ngài chữa lành, giải thoát và cho chúng ta cảm nghiệm được sự Bình An mà Ngài đem đến. Chính khi đó, chúng ta đã góp phần làm cho “Nước Cha trị đến” ngay trong tâm hồn mình và trong thế giới hôm nay.

Mẹ Maria đã góp phần lớn lao để Nước Thiên Chúa hiển trị trong thế giới này. Mẹ là công dân đầu tiên của Nước Trời, người đã cưu mang và trao ban Đấng Cứu Thế cho chúng ta. Mẹ đã cảm nghiệm được sự bình an của Triều Đại Thiên Chúa ngay trong lòng Mẹ khi cưu mang Người, đó chính là “sự bình an mà thế gian không ban được[6]. Chính vì thế, Mẹ không lo sợ khi đối diện với những con người và những luật lệ của xã hội thời đó, cũng không chùn bước trước cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu – Đấng là Bình an và là sự sống của Mẹ, Đấng mà sứ thần đã loan báo là “Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”[7]

Vâng, sự bình an của Mẹ xuất phát từ lòng tin: Mẹ đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ[8]. Mẹ đã ca ngợi Danh chí thánh chí tôn của Thiên Chúa và để cho Nước của Người hiển trị trong cuộc đời mình qua việc toàn tâm toàn ý thi hành thánh ý Người.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Năng thờ lạy Chúa Giêsu đang ngự trong lòng mình, nhất là sau khi rước lễ.
  • Chu toàn bổn phận mỗi ngày.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, giữa những xao động của thế giới hôm nay, xin giúp con vững tin vào quyền năng của Chúa và kiên tâm thực thi ý Người như Mẹ, để góp phần làm cho Nước Chúa hiển trị trong lòng mọi người. Amen  

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


[1] X. Đnl 18,15-19
[2] Mt 11,5; Is 26,19; 29,18; 61,1
[3] Lc 8,1-3
[4] Mc 5,34; 10,52; Lc 18,42
[5] Mt 28,20
[6] Ga 14,27
[7] Lc 1,33
[8] Lc 1,45

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *