fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY

20.03.2020 – THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 12,28-34)
“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết sức, hết trí khôn” và “Phải yêu người thân cận như chính mình.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Mùa chay là thời gian quan trọng để mỗi người Kitô hữu củng cố lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa và với tha nhân. Mối tương quan đó không gì khác hơn là tương quan tình yêu. Đó cũng chính là điều răn đứng đầu, điều răn quan trọng nhất thâu tóm tất cả các giới răn khác, như Chúa Giêsu đã nói với ông Kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” và điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Yêu ai thì muốn làm hài lòng người đó. Yêu Chúa trên hết mọi sự là vâng giữ điều Chúa dạy, làm điều Chúa muốn, đó là tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý Chúa chứ không phải tìm kiếm tiền bạc, chức quyền, hay bất cứ điều gì khác. Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, là để Chúa làm Chủ cuộc đời mình, và đặt mình dưới sự dẫn dắt của Chúa, luôn hỏi ý Chúa trước mọi việc và làm theo ý Người. Yêu là năng gặp gỡ để tâm sự và chia sẻ mọi chuyện: khi vui biết cám ơn Chúa, lúc buồn xin Chúa ủi an, gặp khó khăn thử thách xin Chúa đồng hành, nâng đỡ…

Yêu Chúa và hiểu ý Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng và mau mắn giúp đỡ người khác vì Chúa cũng yêu thương họ. Do đó, yêu thương tha nhân là cách giúp họ nhận ra tình yêu của Chúa, là cách diễn tả tình yêu của Chúa với họ, và đó chính là điều làm cho Chúa vui lòng. Tuy yêu mến người khác như yêu chính mình quả là điều khó khăn, nhưng lại là thước đo và là dấu chỉ để nhận ra một người yêu mến Thiên Chúa đích thật.

Để có thể yêu mến anh chị em như yêu chính mình, trước hết chúng ta xét xem mình ước ao điều gì nhất? Phải chăng là được yêu thương, được tôn trọng, được thông cảm, được giúp đỡ… Người khác cũng khát khao được như vậy. 

Cha Thánh Vinh Sơn Phaolô đã sống triệt để giới răn “mến Chúa-yêu người” này và dạy các con cái: “Về tình yêu, chúng ta cần biết có hai loại tình yêu: một là tình yêu cảm tính, hai là tình yêu thiết thực. Tình yêu cảm tính bắt nguồn từ con tim. Người yêu mến thì lòng tràn ngập tình mến và sự âu yếm, luôn nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện, vui thỏa khi tưởng nhớ đến Ngài.”[1]Chúng ta phải chuyển tình yêu cảm tính sang tình yêu thiết thực. Đó là một tình yêu được cụ thể hóa trong các việc làm bác ái, phục vụ người nghèo được tiến hành với niềm vui, sự kiên trì và tình dịu hiền.[2]

Mẹ Maria đã sống tình yêu cảm mến và thiết thực ấy trong cuộc sống với Chúa Giêsu, con của Mẹ. Mẹ thật hạnh phúc và sốt mến khi chiêm ngắm Chúa Giêsu và nhận biết Người là Thiên Chúa, nhưng cũng là con của Mẹ, và Mẹ phục vụ Người bằng tất cả tâm tình thờ lạy, mến yêu. Đồng thời Mẹ cũng sẵn sàng quan tâm phục vụ mọi người xung quanh, vì Mẹ biết rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ và Chúa muốn Mẹ giúp đỡ họ, như chị Elizabeth, như đám cưới tại Cana…

Chính vì Mẹ tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, nên Mẹ thấu biết những nỗi khó khăn của họ và mau mắn giúp đỡ họ. Mẹ trở thành máng chuyển ơn huệ của Thiên Chúa đến cho người. Do đó, chúng ta vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệu: “Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa – cầu cho chúng con[3].

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích và đọc kinh tối trong gia đình, để được thêm lòng yêu mến Chúa hơn.
  • Mau mắn giúp đỡ mọi người.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ, trong cơn đại dịch đang diễn ra, xin cho con biết sẵn sàng giúp đỡ mọi người, chia sẻ những thông tin và những vật dụng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người khác. Xin giúp con luôn vững tin vào tình yêu và quyền năng Chúa và mỗi ngày một yêu mến Chúa hơn. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/591453428384509)

[1] TVS. IX, 475
[2] TVS. XI, 593
[3] Kinh cầu Đức Bà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *