NHỊP BƯỚC BÊN MẸ TỚI BÊTANIA CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU
TRƯỚC CÁI CHẾT CỦA LAZARÔ
(Ga 11, 1-45)
Gia đình Bêtania thường được vinh dự đón tiếp Chúa Giêsu
Gioan là người duy nhất trong 4 Thánh Sử thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Đây là phép lạ thứ 7 và cũng là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu được Gioan thuật lại.
Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ công khai, khi có dịp về Giuđêa (miền nam), Chúa Giêsu thường hay dừng chân ở nhà của 3 chị em Matta, Maria và Lazarô, tại Bêtania. Lần này, vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ Giêrusalem[1] Chúa Giêsu cũng có mặt tại đó và “đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn”[2]. Sau những cuộc tranh luận với Chúa Giêsu, người Do thái tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ và rút lui sang bên kia sông Gio-đan (miền Bắc).
Nhiều người tìm đến gặp Chúa Giêsu. Họ nghiệm ra những điều ông Gioan (Tiền Hô) nói về Chúa Giêsu đều đúng, nên “nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu ”[3].
Có người đến báo cho Chúa Giêsu là ông Lazarô đang bị đau nặng. Khi nghe tin này, Chúa Giêsu bình thản nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh“. Ngài tiếp tục ở lại đó thêm 2 ngày nữa rồi nói các môn đệ cùng với Ngài xuôi về Giu-đê.
Các môn đệ nhắc lại sự việc ở Giu-đê: Chúa Giêsu đã từng bị người Do Thái tìm cách ném đá. Các ông tỏ vẻ ngạc nhiên sao Chúa lại còn tìm về đó; nhưng Chúa Giêsu trả lời Ngài đang đi ban ngày, nghĩa là đang đi theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì không sợ nguy hiểm.
Khi tới nơi, Lazarô đã chết và được chôn trong mồ 4 ngày rồi. Cô Matta ra đón tiếp Chúa và tâm sự với Chúa hồi lâu. Sau đó, cô vào báo cho em gái là Maria, cô này cũng vội vàng ra gặp Chúa. Người tới trước, kẻ ra sau; thế nhưng điều thú vị là khi đối diện với Thầy Giêsu thì cả hai cô đều có một tâm tình là: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Chắc chắn hai cô đã chứng kiến những phép lạ cho khỏi bệnh của Thầy Giêsu, nên đã cho người đi báo cho Thầy biết khi Lazarô bệnh nặng. Nhưng bây giờ Thầy mới tới thì đã quá trễ rồi, không còn hy vọng gì nữa!!!
Thấu hiểu nỗi đau mất người em trai duy nhất, Chúa Giêsu nói với Mat-ta: “Em chị sẽ sống lại!” nhưng cô lại hiểu về sự sống lại trong ngày sau hết. Chúa Giêsu gợi ý thêm về chân tính của Ngài không chỉ là sự sống lại mà còn là sự sống. Cô đã có một bước tiến sâu hơn về đức tin khi tuyên xưng: “…Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Ấy thế mà, khi đứng trước ngôi mộ của Lazarô, Chúa Giêsu truyền đem phiến đá đậy ngôi mộ đi khỏi nơi này, thì cô Matta can ngăn vì xác chết 4 ngày đã nặng mùi rồi. Chúa Giêsu lại giúp cho đức tin của cô cắm rễ sâu hơn nữa: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?”
Khi phiến đá được đem đi, Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Cha vì biết rằng Cha luôn nhận lời cầu xin của Chúa. Tuy nhiên, để cho vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”
Mẹ ơi, tuyệt vời thay quyền năng của Chúa Giêsu, Con của Mẹ! Ngài là Đấng ban sự sống! Chắc chắn từ giờ phút đó dân làng Bêtania và những người thân quen của họ bàn tán nhiều về sự kiện “khó tin nhưng có thật” này và nhiều người đã được ơn Đức Tin, tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến thế gian để bày tỏ quyền năng yêu thương và cứu chuộc của Ngài. Tuyệt vời hơn nữa là Chúa Giêsu đồng cảm với nỗi đau mất người thân của gia đình này. Ngài động lòng thổn thức khi thấy cô Maria khóc, khi đứng trước mộ Lazarô và khi nghe dân chúng tỏ lòng tin tưởng Ngài có thể làm cho Lazarô khỏi chết! Tuy nhiên, các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì lại sợ mọi người sẽ tin theo Chúa và họ mất quyền lợi. Thế là họ tìm cách bắt Ngài để giết đi!!!
Lạy Mẹ yêu dấu, cũng như cô Matta, chúng con đã học giáo lý và tin Chúa Giêsu là Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Nhưng đức tin của chúng con chưa sâu đủ, nên đứng trước đại dịch Covid-19 hiện nay chúng con cảm thấy chới với khi thấy ngày càng tăng số người nhiễm bệnh cũng như số người chết. Thật an ủi biết chừng nào cho chúng con khi được nghe lời Chúa Giêsu: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Tuy nhiên, cũng như cô Matta, đôi khi chờ đợi lâu chúng con cũng cảm thấy hết hy vọng, vì đã “nặng mùi rồi”. Xin Mẹ giúp chúng con nhận ra sự mỏng dòn và hữu hạn của mình và biết mình cần đến Chúa; biết sám hối xin Chúa tha thứ những gì đã xúc phạm đến Chúa, thiếu trách nhiệm với bản thân và tha nhân. Đồng thời, chúng con xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng luôn động lòng trắc ẩn trước những khổ đau của chúng con. Hơn nữa, ngoài Chúa ra không ai có thể cứu giúp chúng con được!
Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã nhiều lần kinh qua những giây phút bế tắc trong đời sống cá nhân cũng như hoạt động tông đồ. Ngài cầu nguyện tìm kiếm thánh ý Chúa và luôn dõi theo những dấu chỉ của Chúa Quan Phòng, đến nỗi sau này ngài có thể nói: “Tôi có lòng sùng kính đặc biệt là đi theo Chúa Quan Phòng từng bước ”[4]. Với nhiều trải nghiệm trong đời, ngài đã khẳng định: “Ân sủng có vào những thời điểm của nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa và tránh lấn bước Ngài.”[5]
Hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô,
chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”
Bài hát: Thánh vịnh 129 – Kim Long
[1] Ga 10, 22tt
[2] Ga 10, 23
[3] Ga 10, 42
[4] TVS II, 237: viết cho cha Bernard Codoing
[5] TVS II, 453: viết cho cha Bernard Codoing