fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH

20.4.2020 – THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 3,1-8)
“Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt, cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Ni-cô-đê-mô và Chúa Giê-su. Qua lời kể của Thánh Gioan, Ni-cô-đê-mô là người có địa vị cao trong xã hội Do Thái bấy giờ. Ông thuộc nhóm Pha-ri-sêu là những người rất trung thành với lề luật và sùng đạo, ông cũng là thủ lãnh trong dân, tức là thành viên trong hội đồng 70 người- Sanhedrin, hội đồng có quyền đưa ra các quyết định cho cả đất nước.

Không giống với các đoạn Tin Mừng khác, người Pha-ri-sêu này không xuất hiện ở bối cảnh những lời chỉ trích, phê phán của Chúa Giê-su về cách giữ luật, cách thờ phượng của họ. Ở đây, cuộc gặp gỡ và hội thoại giữa Chúa Giê-su và Ni-cô-đê-mô diễn ra trong bầu khí thân tình và cởi mở.

Chắc hẳn, các phép lạ và những lời khôn ngoan phát ra từ môi miệng của Chúa đã hấp dẫn và thu hút Ni-cô-đê-mô, để rồi ông bí mật đến gặp Người vào ban đêm để tránh khỏi sự dòm ngó từ bên ngoài. Cách xưng hô của ông với Chúa Giê-su là “vị tôn sư”, cho thấy một sự tôn trọng và kính nể, khác hẳn với những người Pha-ri-sêu khác luôn tìm cách gài bẫy và thử thách Người. Hơn thế nữa, ông đã tuyên xưng Đức Giê-su là đấng Mê-si-a, người được Thiên Chúa sai đến. Thế nhưng, trước những vấn đề ông đặt ra thì lời đáp của Đức Giê-su có vẻ lạc đề: Người đã nói về Nước Thiên Chúa thay vì nói về phép lạ như Ni-cô-đê-mô mong muốn.

Quả thế, tâm thức người Do Thái lúc bấy giờ đang khao khát một vị Thiên sai như các ngôn sứ đã loan báo. Họ mong rằng Đấng ấy sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã. Những lời của Đức Giê-su quả thật là xa lạ và khó hiểu: “nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên[1]. Đức Giê-su sau đó còn lặp lại hình ảnh “nước Thiên Chúa” thêm một lần nữa, “nước” mà Ngài sẽ nói với Phi-la-tô trong cuộc khổ nạn: Nước tôi không thuộc về thế gian này[2]

Với cách nói đó, Đức Giê-su muốn hướng con người lên trên những thực tại trần thế, vượt ra khỏi phạm vi thân xác với những giới hạn và mỏng giòn, để vươn tới cùng đích của sự sống vĩnh cửu là vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của tình yêu. Vì tình yêu mà Đức Giê-su đã xuống thế làm người, đã chết để diệt trừ sự chết và đã sống lại để ban cho ta sự sống mới của con cái Thiên Chúa. Đó là một sự sáng tạo mới sẽ được hoàn tất bởi Thần Khí. Thần khí được Đức Giê-su ban tặng tựa như ngọn gió: gió thì vô bờ vô bến, hiện diện đầy tràn trong cả không gian lẫn thời gian và làm cho vạn vật được triển nở tròn đầy, viên mãn. Thần khí chính là điều mà Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ vào buổi chiều ngày phục sinh: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”[3],  và Thần khí vẫn đang hoạt động giữa Hội thánh, trong mỗi con người.

Mẹ Maria là một mẫu gương của sự hướng thượng, một con người đầy tràn Thần khí. Ngay khi là một thôn nữ nhỏ bé nơi làng Na-za-rét, Mẹ đã biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa qua lời truyền tin của Thiên thần để thưa “Xin vâng” trước lời mời gọi trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng những lời của Đức Giê-su, Mẹ đã đồng hành với Ngài trong công cuộc rao giảng và cùng chịu khổ nạn với Con yêu dấu. Sau cùng, Mẹ được Thiên Chúa siêu thăng cả hồn lẫn xác về trời.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi tập sống trong Thần Khí bằng cách xin ơn Chúa Thánh Thần trước mọi công việc, và sốt sắng chú tâm mỗi khi đọc kinh Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp cho chúng con luôn hướng lòng về các giá trị của Trời cao, biết kín múc ân sủng từ Thần khí, Đấng là tác giả của mọi công trình trên mặt đất, và là Đấng làm cho chúng con được tái sinh trong Nước Thiên Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/611974572999061)

[1] Ga 3, 3
[2] Ga 18,36
[3] Ga 20, 22

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *