fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH

28.5.2020 – THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 17,20-26)
“…để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Khi yêu, người ta không chỉ muốn được ở gần nhau, ở bên nhau mà còn là được “ở trong nhau”, “nên một” với nhau, để không bao giờ thiếu vắng nhau. Tình yêu thẩm thấu ấy làm cho người này hiểu được người kia nghĩ gì, muốn gì, để luôn biết làm vừa ý người yêu, biết tránh những gì người yêu không thích, không muốn.

Chúa Giêsu luôn ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người: Cha ở trong con và con ở trong Cha” (c.21), và Ngài luôn nói về Cha rất gần gũi: Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha”,  “Tôi và Chúa Cha là một”, Ai thấy Thầy là thấy Cha”,[1]… Tình yêu “nên một” ấy đã được Chúa Giêsu minh chứng bằng cả một đời sống làm theo ý Cha, đến nỗi Ngài nói rằng chính Chúa Cha làm việc chứ Ngài không tự làm, chính Chúa Cha nói chứ không phải Ngài nói[2].

Chính việc nên một với Cha, làm theo ý Cha đem lại cho Chúa Giêsu nguồn vui thỏa và hạnh phúc. Ngài muốn cho các môn đệ và tất cả chúng ta cũng theo khuôn mẫu “nên một” như Ngài với Cha, để toàn thể Giáo Hội được hiệp nhất với nhau trong một tình yêu duy nhất của Thiên Chúa: Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (cc.20-21)

Chỉ khi chúng ta hiệp nhất với nhau trong một lối sống của Chúa Giêsu, như chính Chúa Giêsu làm theo ý Chúa Cha, thì khi đó “thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (c.21). Sự hiệp nhất sẽ không thể có được, nếu mỗi người chỉ làm theo ý riêng mình. Mỗi thành phần trong Giáo Hội đều làm theo ý Chúa trong bổn phận của mình; trong gia đình, mỗi thành viên đều thực thi ý Chúa khi lắng nghe và đón nhận nhau, vâng phục lẫn nhau; khi đó, những người chưa tin sẽ nhận biết Thiên Chúa.

Nếu ta chỉ lắng nghe, vâng phục người mà ta thích, người vừa ý ta, tình yêu ấy không xuất phát từ Thiên Chúa vì đầy ích kỷ, hẹp hòi, vụ lợi. Tình yêu của Thiên Chúa thì luôn tự xóa mình để đối tượng mình yêu thương được lớn lên. Tình yêu đích thực là tình yêu quy hướng về Thiên Chúa và tha nhân, chứ không quy về “cái tôi” của mình. Tình yêu đó mới có thể làm cho “thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (c.23).

Chúng ta thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa Cha yêu thương bằng chính Tình Yêu mà Ngài đã dành cho Chúa Giêsu- Con Một yêu dấu của Ngài. Tình Yêu ấy chính là Thánh Thần- Ngôi Ba Thiên Chúa. Như thế, chúng ta được mời gọi nên một với nhau trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với nhau trong Chúa.

Mẹ Maria là người đầu tiên đã cảm nghiệm được tình yêu “nên một” ấy nơi Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần “rợp bóng” trên Mẹ, chính giây phút đó, Mẹ được nên một với Chúa Giêsu trong tình yêu của Chúa Cha.

Mẹ đã diễn tả niềm vui và hạnh phúc khi được đưa vào trong tình yêu linh thánh ấy trong bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[3]

Mẹ cũng sống mối tương quan hiệp nhất với tha nhân và đồng cảm với người chị họ Elizabeth, với đôi tân hôn tại Cana… Mẹ yêu thương đón nhận các môn đệ của Chúa Giêsu và hiện diện giữa họ… và Mẹ sẵn sàng phục vụ mọi người trong Chúa.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Tập quên mình để cảm thông với nỗi vui buồn của người khác.
  • Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho người khác thành công.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường như Mẹ, biết sẵn sàng xóa mình đi, để người khác được lớn lên, được triển nở và nổi bật hơn. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con biết lắng nghe và vâng phục lẫn nhau, để chúng con được “nên một” trong Chúa Giêsu và Chúa Cha. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/636449747218210)

[1]X. Ga 10,15.30; 14,9
[2] X, Ga 14,10
[3] Lc 1,46-47

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *