08.6.2020 – THỨ HAI TUẦN X TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5,1-12)
“Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong suốt hành trình rao giảng, Đức Giêsu thường hay chúc phúc. Khi thì: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”[1] Với các môn đệ, Chúa nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”[2], hoặc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”[3].
Hôm nay, thánh Mát-thêu ghi lại Tám mối phúc hay Bát phúc, là một trong những bài giảng quan trọng của Chúa Giêsu, còn được gọi là “Hiến chương nước Trời”. Tinh thần Tám mối phúc thấm đẫm trong cuộc đời của các vị Thánh, cũng như biết bao bậc đáng kính trong Giáo hội. Không những thế, âm hưởng của các mối phúc còn lan tỏa tới cả những người không phải là Ki-tô hữu, là nguồn cảm hứng lớn lao cho một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỉ 20 như Mahatma Gandhi.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, ai hiền lành, ai sầu khổ, ai xót thương người…”
Lắng nghe các mối phúc giữa một thế giới vẫn còn hàng tỷ người sống trong đau khổ vì dịch bệnh, chiến tranh, tai ương… chúng ta dễ có cảm tưởng Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống tinh thần nghèo khó, biết xót thương và chấp nhận những đau khổ như là một phương thế để đạt được ơn cứu độ ở đời sau. Quả thật, khi sống tinh thần các mối phúc, chúng ta “sẽ được Thiên Chúa ủi an, được Chúa xót thương, Chúa cho thỏa lòng…” ở đời sau, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đợi đến đời sau mới đạt được nước Trời, và cũng không phải đợi đến đời sau mới được Chúa ủi an. Bởi Chúa nói “vì Nước Trời là của họ” ngay trong hiện tại. Chính khi sống tinh thần nghèo khó và biết xót thương tha nhân, thực thi bác ái và liên đới, thì ta có được Nước Trời, vì “chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân…”[4]
Trong tháng 6 kính Thánh tâm Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ, xin cho họ “tìm được con đường sống, khi chạy đến cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.” Như thế, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho họ ngày sau được sống, mà ngay trong đau khổ hiện tại, họ cũng cảm nhận được tình thương và sự đồng hành của Chúa để vượt qua nghịch cảnh. Nước Trời vẫn luôn hiện diện hôm nay, không phải đợi đến sau khi chết mới đạt được.
Giữa những bất công, giả dối đang lan tràn trong mọi lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, giáo dục, truyền thông… chúng ta còn được mời gọi sống hiền lành, trong sạch công chính và trở nên muối men cho đời. Chứng kiến một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc vì nạn phân biệt chủng tộc, nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang khao khát công lý, bình đẳng, chúng ta phải trở nên người xây dựng hòa bình, hòa giải liên đới… Và cuối cùng, Đức Giêsu chúc phúc cho những người sẵn sàng chịu đau khổ, bị bách hại vì sống theo những giá trị Tin Mừng, bởi phần thưởng dành cho họ là hạnh phúc lớn lao ở đời sau.
Hơn ai hết, Mẹ Maria là người sống trọn vẹn các mối phúc. Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang lừa nghèo khó, Mẹ vội vã lên đường để thăm viếng bà Elizabeth khi biết bà có thai lúc tuổi già, Mẹ sống vâng phục và âm thầm nơi thôn làng Na-da-rét, Mẹ đồng cảm với với các gia nhân tại tiệc cưới Cana, Mẹ chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó… Tuy thế, Mẹ lại được “đầy ơn phúc” ngay ở đời này vì có Con Thiên Chúa hiện diện ngay nơi lòng Mẹ, nơi tâm hồn Mẹ. Chính Ngài là niềm vui, là sự bình an và là kho tàng lớn lao khiến Mẹ thốt lên: “…thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.”[5]
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi chọn một mối phúc thích hợp với tôi nhất để thực hành, và xét mình mỗi ngày về việc thực hành đó.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết sống trọn vẹn những điều Chúa dạy, như chính Mẹ đã sống, để xứng đáng được hưởng “hạnh phúc” ngay đời này và nhất là phần phúc Chúa đã hứa ban. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/643656079830910)
[1] Mt 11, 6
[2] Mt 13, 16
[3] Ga 20, 29
[4] Kinh Hòa Bình.
[5] Kinh Magnificat.