fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT – LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

14.6.2020    CHÚA NHẬT – LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 6,51-58)
“Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong các loại thực phẩm tốt cho trẻ sơ sinh thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và tuyệt vời nhất, cả về dinh dưỡng lẫn nhiệt độ. Người mẹ khi mang thai nuôi con bằng máu của mình, khi sinh con lại nuôi con bằng sữa của mẹ, mầu nhiệm ấy diễn tả phần nào tình yêu của Thiên Chúa đối với con người – những tạo vật mà Ngài đã yêu thương bằng tất cả tình yêu thánh thiện của Người.

Yêu thương con người như thế, Chúa Giêsu đã có sáng kiến trở nên “thực phẩm thần linh”, nên nguồn dinh dưỡng đem lại sự sống đời đời cho con người: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (c.51). Chưa có vị giáo chủ của một tôn giáo nào đã nuôi tín đồ bằng chính thịt mình, nhưng Chúa Giêsu đã tự nguyện nuôi các tín hữu, là những kẻ tin Ngài bằng chính Máu và Thịt của mình:Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Chúa Giêsu đã nói trước về Bí Tích Thánh Thể, và Ngài đã thực hiện điều đó trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Đó là cả một sáng kiến tuyệt vời, được thực hiện nhờ quyền năng cao cả nhằm đem lại lợi ích tối hậu cho con người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (c.56)

Được rước Chúa Giêsu Thánh Thể và kết hợp với Người, người tín hữu được nhận lãnh sức sống thần linh của Chúa, sống nhờ sức sống của Chúa như Chúa đã nói: Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (c.57). Đó là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu trong nước Trời nhưng lại được áp dụng cho chúng ta ngay từ đời này. Còn gì bằng khi chúng được mang dòng máu của Thiên Chúa, như giọt nước hòa tan trong rượu thế nào, chúng ta cũng sẽ được hòa tan trong Chúa như vậy. 

Bí tích Thánh thể còn là dấu chỉ của sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì như thánh Phaolô nói: “Chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”[1] Chính vì thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều được mời gọi đến với Bí tích Thánh Thể, để sống sâu xa sự sống thần linh của Chúa, và trong Chúa, mọi người được nên một với nhau trong tình yêu thương gắn bó, như các chi thể được hiệp nhất trong cùng một thân thể.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”. Với hai tiếng “xin vâng”, Mẹ trở thành Nhà Chầu đầu tiên cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Mẹ là người đầu tiên tôn thờ Chúa Giêsu và là mẫu gương cho những người tôn sùng Thánh Thể.

Chiêm ngắm Mẹ để học cách mà Mẹ đã chiêm ngắm Chúa Giêsu bằng ánh mắt yêu thương thuần khiết, giúp chúng ta thắp “lửa yêu mến” trong lòng và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể với một tình yêu nồng cháy. Chính vì thế, thánh Phêrô Julian Eymard tin chắc rằng ai càng gần Đức Mẹ thì càng được Mẹ kéo đến gần Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Mẹ là Mẹ của những người tôn thờ Thánh Thể.

Năm 1830, khi hiện ra với Chị Catherine Labouré, Đức Mẹ đã dạy: Hãy đến nơi chân bàn thờ này (tay Đức Mẹ chỉ vào nhà Tạm). Nơi đây, nhiều ơn lành sẽ được tuôn ra cho mọi người lớn nhỏ đến cầu xin”.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Nhớ lời Mẹ dặn, tôi

  • Năng tham dự thánh lễ và rước lễ cách sốt sắng, chiêm ngắm và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, tâm sự với Chúa mọi chuyện vui buồn.
  • Sống mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, bác ái và nâng đỡ lẫn nhau.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chiêm ngắm và tôn thờ, yêu Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ đã yêu mến Người. Xin Mẹ giúp con biết dọn mình cẩn thận và rước Chúa thật sốt sắng, để con được sống nhờ sức sống của Chúa, được nên một với Chúa ngay ở đời này và được sống đời đời. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/647811182748733)

[1] 1Cr 10,17

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *