15.6.2020 – THỨ HAI TUẦN XI TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu. (Mt 5,38-42)
“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Khi bị ai đó đối xử bất công hoặc làm hại mình, thường người ta luôn muốn “ăn miếng, trả miếng” với chính người đã gây đau khổ cho mình, thậm chí muốn làm cho người kia phải bị đau hơn nỗi đau của mình thì mới “hả giận”.
Chính vì thế, khi ông Môsê cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” là một điều luật mới mẻ, đề cao sự công bằng và không cho phép người ta báo thù hơn điều đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, với luật ấy, người ta vẫn còn nuôi giữ trong lòng sự ân oán và phải báo thù, tình yêu và sự tha thứ vẫn chưa có mặt trong thế giới.
Người xưa từng nói: “Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”. Cái “đức” chúng ta cần có để làm tiêu tan oán thù chính là tình yêu và lòng bao dung tha thứ mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác.”
Đối diện với sự dữ và sự ác, Chúa Giêsu không dạy chúng ta cứ chịu đựng để bị đè bẹp, Ngài không dạy chúng ta cứ nhu nhược để cho cái ác thắng thế. Trái lại, Ngài muốn chúng ta có một thái độ và hành động cụ thể, chủ động đáp trả cái ác bằng việc thiện, đáp trả sự dữ bằng sự lành. Như thế, chúng ta cần có một sức mạnh nội tâm, một sự mạnh mẽ và điềm tĩnh của tâm hồn cao thượng, một tâm hồn rộng mở để có thể đón nhận và dung chứa không chỉ hành động tiêu cực, mà là chính con người đã làm hành động ấy, với sự khoan dung và độ lượng.
Chỉ có tình yêu và lòng khoan dung của Chúa, mới giúp chúng ta đối xử được với nhau như vậy. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều Ngài dạy chúng ta ngay trên thánh giá, khi Ngài cầu nguyện cho tất cả nhân loại, cách riêng là những kẻ trực tiếp gây ra cái chết của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”[1].
Tông đồ Trưởng Phêrô đã được Thầy dạy “tha thứ 70 lần 7”[2]. Qua kinh nghiệm cá nhân được tha thứ dù đã chối Thầy đến 3 lần, rồi tới gương tha thứ của Thầy cho những người đã tra tấn và đóng đinh Thầy, ông đã “thấm” và nhắc lại cho chúng ta lời của Thầy Chí Thánh: “Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.”[3]
Qua kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cảm nếm sâu xa lòng khoan dung của Chúa dành cho Mẹ, và sống tình yêu quảng đại đó: Mẹ đã vui lòng đón nhận sự từ chối của chủ quán trọ tại Belem, sự truy sát của vua Hêrôđê, sự chê bai vì ganh tỵ của dân làng Nazareth đối với Chúa Giêsu[4]… Và dưới chân thánh giá, Mẹ cũng kết hợp làm một với Chúa Giêsu trong lời nguyện xin tha thứ cho những kẻ gây ra cái chết của Người – trong đó có mỗi người chúng ta.[5] Mẹ đón nhận và an ủi các tông đồ trong cơn đau đớn mất Thầy, trong nỗi hối hận vì bỏ Thầy chạy trốn…
Ngày hôm nay, Mẹ vẫn giang rộng đôi tay để đón nhận tất cả các tội nhân chạy đến với Mẹ, nhờ Mẹ chuyển cầu, dạy dỗ và ban ơn hoán cải. Chính Chúa Giêsu phán với thánh nữ Catarina Siena: “Bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỉ dữ”[6].
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ rất thánh,
- Tôi cảm nếm lòng thương xót Chúa dành cho tôi: tôi tha thứ và cầu nguyện cho người làm tôi đau khổ, xin Chúa chúc lành cho họ.
- Dành cho người ấy món quà mà tôi muốn dành cho người tôi yêu thương nhất.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ, xin biến đổi tim con, để biết yêu thương người con không thích, người ghét con và người làm con đau khổ. Xin Mẹ cho những ai đang đau khổ vì khó tha thứ được lòng quảng đại bao dung và cảm nhận niềm vui, sự bình an khi biết tha thứ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/648436486019536)
[1] Lc 23,34
[2] Mt 18,22
[3] 1 Pr 3,9
[4] Lc 2,7; Mt 2,13-14; Lc 4, 16-30
[5] Ga 19,25-27
[6] https://hddmvn.net/loi-cac-thanh-va-danh-nhan-ca-tung-duc-me/