fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

19.7.2020 –  CHÚA NHẬT TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 13,24-43)
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đối diện với những vấn nạn về sự dữ và sự ác trong thế giới, người ta thường đặt ra những nghi vấn: Có Thiên Chúa thật không? Nếu Thiên Chúa toàn năng và biết trước mọi sự, tại sao ngài không ngăn chặn mà cứ để sự dữ xảy ra? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, tại sao cứ để con người đau khổ mà không cứu giúp? Tại sao Thiên Chúa công bằng không trừng phạt kẻ ác, mà cứ để chúng tác oai tác quái hiếp đáp dân lành?…

Quả thật, sự quan phòng của Thiên Chúa với thế giới là một mầu nhiệm trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, chứ không như lối suy nghĩ và hành động của con người! Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan, Ngài đối xử nhân từ và công bằng với hết mọi người. Trong Bài đọc I, Sách Khôn ngoan nói rằng: Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái.[1]

Sở dĩ chúng ta hay sốt ruột, thiếu kiên nhẫn, vì chúng ta thiếu lòng nhân ái. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự khiên nhẫn đầy khôn ngoan và nhân từ của Thiên Chúa qua dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng. Đây là dụ ngôn duy nhất chỉ có trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

Thiên Chúa là nguyên nhân của những điều thiện hảo. Ngài gieo những điều tốt lành vào thế giới cũng như vào lòng mỗi người. Thế nhưng ma quỷ – kẻ thù của Thiên Chúa luôn tìm cơ hội để gieo điều xấu. Chúng ta thường muốn nhổ cỏ lùng ngay, cho dù khi chưa trổ bông rất khó phân biệt giữa cỏ và lúa. Chính vì thế, Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi cho đến mùa gặt. Khi đó, bông lúa và bông cỏ khác nhau, việc nhổ cỏ cũng không gây ảnh hưởng đến lúa.

Cỏ lùng thì sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành lúa, cũng như lúa sẽ không biến thành cỏ lùng. Tuy nhiên, đối với con người thì khác: người xấu có thể biến đổi thành người tốt và ngược lại. Điều ta cần lưu ý là yếu tố thời gian để có thể phân biệt lúa với cỏ lùng; chứ không phải sự nguy hiểm của cỏ lùng cần phải nhổ ngay.

Cuộc sống luôn có những điều tốt và xấu. Chúng ta không thể dựa vào những điều tốt – xấu ấy để xác định người tốt hay người xấu được. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền phán xét và xử định. Phần chúng ta phải cố gắng làm lành lánh dữ, để mỗi ngày ta thành lúa tốt hơn. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi để ta có đủ thời giờ hoán cải. Do đó, chúng ta cũng phải học để biết kiên nhẫn với những bất toàn của tha nhân và của chính mình. Kiên nhẫn cũng là phương thế giúp chúng ta bình tâm và tin tưởng, phó thác vào Chúa.

Mẹ Maria đã luôn tin tưởng phó thác vào Chúa, nên Mẹ hằng giữ được tâm hồn bình an và tĩnh lặng. Cho dù cuộc đời Mẹ luôn phải đối diện với nghịch cảnh như sự chối từ của các quán trọ ở Belem đang lúc Mẹ cần được sự giúp đỡ; việc phải xa nhà trong những ngày sắp sinh đối với Mẹ là cả một chuỗi những khó khăn ngoài dự tính; thêm vào đó là việc  truy sát Hài Nhi cách bất công của Hêrôđê… Trong tất cả mọi việc, Mẹ kiên nhẫn đón nhận, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.”[2] Mẹ đã học được sự kiên nhẫn đầy khôn ngoan của Thiên Chúa cả trong cái chết đầy đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá. Đó là sự kiên nhẫn của tình yêu, một tình yêu cứu độ.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Kiên nhẫn với những khuyết điểm của tha nhân và của chính mình.
  • Chọn ra một tội thường phạm hoặc một tật xấu căn bản nhất, khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa để sửa đổi mỗi ngày.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin giúp con khiêm tốn nhìn ra những cỏ lùng trong con để thực tâm hoán cải. Xin cho con biết kiên nhẫn với những thiếu sót của anh chị em con và giúp nhau sửa đổi mỗi ngày, như Chúa hằng kiên nhẫn với chúng con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/669949973868187)

[1] Kn 12,18
[2] Lc 2,19.51

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *