19.8.2020 – THỨ TƯ TUẦN XX TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu. (Mt 20,1-16a)
“…Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay, nhiều người lao động phổ thông đã phải rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nếu có ai được gọi làm việc với mức lương trung bình kể đã là may mắn lắm. Những người thợ được thuê làm vườn nho mà Chúa Giêsu kể trong dụ ngôn hôm nay cũng ở trong tình trạng ấy.
Từ sáng sớm, ông chủ đích thân đi tìm thuê người vào làm vườn nho cho mình. Ông thỏa thuận mức lương “một quan tiền” mỗi ngày: một mức lương khá cao so với xã hội thời đó. Thế là những người này mừng rỡ, chăm chỉ làm việc bất kể nắng nôi và chỉ mong giờ lãnh lương mau đến.
Có lẽ vườn nho quá rộng nên ông chủ lúc nào cũng cần người làm việc, cũng có thể ông muốn bớt đi số người thất nghiệp, vì cả gia đình họ sẽ phải đói… Chính vì thế, suốt ngày ông ra đi tìm thuê thợ: giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, thậm chí đến giờ thứ mười một, tức là chỉ còn 1 giờ làm việc nữa thôi là hết ngày, thế mà ông vẫn gọi người ta vào làm việc cho ông.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi trả tiền công cho thợ, ông đã làm một điều thật khác người: ông dặn người quản lý trả công cho thợ “bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất” (c.8) Những người làm từ sáng sớm bị chưng hửng khi thấy những người làm sau cũng lãnh “mỗi người một quan tiền” như họ, nên đã bất bình với ông chủ và cho rằng ông “thiếu sự công bằng”. Ông chủ đã phân tích cho họ thấy là ông không xử bất công, nhưng đó là sự hợp lý của sự “tốt bụng” của ông: “tôi đâu có xử bất công với bạn… Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (cc.13-15)
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng: “Phải chi ông chủ cứ trả công theo thứ tự làm việc, thì ông có cho người tới sau bao nhiêu đi nữa, cũng đâu có chuyện ghen tỵ?” Thế nhưng, phải chăng Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta một bài học về mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, để thay vì so sánh và ganh tỵ, chúng ta cần chiêm ngắm cách hành xử của Thiên Chúa để nhận ra lòng tốt của “Ông Chủ”, để niềm vui thuở ban đầu khi thỏa thuận mức lương từ buổi sáng được nhân lên cùng với niềm vui vì được biết và phục vụ một Ông Chủ tốt lành biết mấy! Thiên Chúa của chúng ta là một Ông Chủ giàu lòng thương xót, Ngài luôn hào phóng trong việc thưởng công cho chúng ta dù chúng ta không xứng đáng với phần thưởng đó.
Điều quan trọng là chúng ta phải học cách nhìn của Chúa để biết cảm thông với anh em, học cách cư xử của Chúa để đối xử với nhau: “Vui với người vui, khóc với người khóc”[1], như Mẹ Maria đã sống khi xưa: Mẹ vui với niềm vui của người chị họ son sẻ, được Chúa đoái thương cho làm mẹ lúc tuổi đã già. Mẹ chung vui với chị không chỉ qua lời hỏi thăm hay bằng một món quà vật chất. Mẹ chia sẻ bằng chính con người của Mẹ, bằng sự hiện diện và giúp đỡ chân thành. Mẹ chúc tụng và tạ ơn Chúa cùng với chị Elizabeth. Mẹ vui với người vui khi đi dự tiệc cưới. Mẹ lo nỗi lo của họ khi gặp sự cố hết rượu. Mẹ cầu xin Chúa giải cứu họ khỏi sự khó khăn…
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi sống chân thành và gần gũi với mọi người, “vui với người vui, khóc với người khóc” bằng cách tạ ơn Chúa vì những niềm vui của anh chị em và cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, giữa cơn đại dịch hôm nay, biết bao người đang thất nghiệp, đói ăn và khốn khổ. Xin cho chúng con biết sống cảm thông, chia sớt của ăn, thời giờ và những điều kiện cần thiết khác, để mọi người nghèo đều có thể sống xứng với phẩm giá của mình và cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa đối với họ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/692031708326680)
[1] Rm 12,14