fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

13.9.2020 – CHÚA NHẬT TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – A
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 18,21-35)
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế…”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Tháng 11.2013, việc cháu bé Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ làm chết một cách thương tâm đã gây xôn xao dư luận[1]. Chắc hẳn ai cũng cảm thông với nỗi đau của cha mẹ cháu bé khi mất đi đứa con duy nhất, xót vì cháu bé chết trong đau đớn và tức tưởi… Nhưng sau đó, chị Huyền – mẹ của cháu Long, đã đem hộp sữa của con mình cho con của người bảo mẫu. Hành vi đó đã diễn tả phần nào sự cảm thông và tha thứ của chị cho người đã gây ra nỗi đau xót mất con của mình. 

Nói đến tha thứ, là nói đến một cách xử sự vượt trên sự công bằng. Điều này không dễ tí nào, nhất là khi nỗi đau, sự thiệt thòi mất mát về tinh thần hoặc vật chất của chúng ta quá lớn. Người ta thường nghĩ đến chuyện “đòi nợ” bằng cách làm cho người kia cũng phải chịu đau đớn, mất mát và thiệt thòi như mình hoặc hơn thế nữa. Như thế mới hả dạ!

Nếu có ai đó tốt lành, đạo đức thì chấp nhận tha thứ một lần, hoặc tối đa ba lần là họa hiếm lắm. Thánh Phêrô nghĩ đến một con số hoàn hảo hơn: Thưa Thầy, …con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu trả lời không phải là bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là luôn luôn.

Ông Phêrô ngẩn người không hiểu vì sao Chúa đòi phải tha nhiều như thế. Chúa minh họa bằng dụ ngôn về một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng”, đang khi đó, cũng có một người bạn nợ anh ta một trăm quan tiền”.

Có lẽ câu chuyện đã quá quen thuộc. Nhưng thường khi chúng ta chỉ thấy những gì mà người khác mắc nợ mình, cho dù nó chỉ là cỏn con, so với món nợ kếch xù mà ta mắc với Thiên Chúa. Chúng ta quên đi hoặc không ý thức về món nợ đó, không cảm nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình lớn lao chừng nào! Do đó, chúng ta cứ thấy khó tha thứ cho người khác.  

Tất cả những gì chúng ta đang sở hữu đều đến từ Thiên Chúa: sự sống, thân thể, trí khôn, năng lực, gia đình, môi trường xã hội, Giáo Hội… Ngay cả khí thở, nguồn nước và mặt đất để chúng ta đứng lên… Đó chẳng phải là những món nợ kếch xù đó sao? Thế nhưng, đã nhiều khi chúng ta không vâng theo giới răn của Chúa, xúc phạm đến chính Thiên Chúa, không biết trân quý những món quà Chúa ban khi bất hiếu với cha mẹ, làm tổn thương anh chị em, tàn phá thiên nhiên…

Thiên Chúa vẫn không ngừng tha thứ cho chúng ta. Vậy đến lượt chúng ta cũng phải hết lòng tha thứ cho anh em mình”  bởi lẽ mỗi ngày chúng ta vẫn đọc lời kinh Chúa dạy: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Mẹ Maria luôn ý thức những hồng ân Chúa ban cho Mẹ, cách riêng là đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, để không ngớt lời ngợi khen, cảm tạ Chúa và sống bác ái với tha nhân. Dưới chân thánh giá, đối diện với những lý hình đã hành hạ Con của mình, Mẹ đã cùng với Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho họ. Chắc rằng khi ấy, Mẹ cũng cầu nguyện để chúng ta biết tha thứ cho nhau để được hưởng ơn tha thứ của Chúa. Với các môn đệ đã chạy trốn và chối Thầy, Mẹ đã tha thứ và an ủi họ, cùng họ họp mặt cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần trong tình yêu thương hiệp nhất.[2]

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Chúa với Mẹ, tôi

  • Ý thức những ơn lành và sự tha thứ Chúa dành cho tôi mỗi ngày, để hoán cải, tạ ơn và yêu mến Chúa.
  • Tha thứ và cầu nguyện cho người đã gây ra nỗi đau cho tôi.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn ý thức về món nợ lớn lao mà Chúa đã tha thứ cho con và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, để con sẵn sàng tha thứ cho người khác, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”[3]. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/710462716483579)

[1] X. https://danviet.vn/ho-ngoc-nho.html
[2] X. Cv 1,14
[3] Kinh Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *