fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

15.9.2020 – LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 19,25-27)
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!

Người xưa thường nói: Đời là bể khổ”. Tuy nhiên, những ai biết đón nhận đau khổ trong đức tin và niềm hy vọng, người đó sẽ vượt qua khổ đau cách bền bỉ và can trường hơn. Đức Maria là một mẫu gương tiêu biểu nhất cho những ai đau khổ cùng cực nhưng không tuyệt vọng.

Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội kính nhớ Đức Mẹ sầu bi ngay sau lễ suy tôn thánh giá, nhưng vì những đau khổ của Đức Maria có mối liên kết rất mật thiết với những đau khổ của Chúa Giêsu để đem lại ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. “Bảy nỗi đau” hay còn được gọi là “Bảy sự thương khó của Đức Mẹ” không chỉ là giới hạn ở “số 7”, nhưng là “rất-rất-nhiều”, vì số 7 là một con số mang ý nghĩa “tròn đầy” đối với người Do thái. Chính vì thế, với một người mẹ bình thường thì những nỗi đau đã là không đếm được, thì đối với người Mẹ của Đấng Cứu Thế chịu đau khổ, thì những nỗi đau đớn của Mẹ nhiều biết chừng nào!

Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, đã đón nhận những đau khổ của kiếp người, nhất là cuộc khổ nạn đẫm máu và cái chết kinh hoàng trên thập giá để cứu độ chúng ta. Đức Mẹ là người đã thông phần vào những nỗi khổ đau tột cùng ấy của Chúa Giêsu mà đỉnh cao là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…” (c.25a).

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người Mẹ chứng kiến cảnh người con yêu của mình chịu chết cách oan ức, bầm giập và tức tưởi?… Thế nhưng Mẹ đã không ngã quỵ, trái lại, Mẹ vẫn trung kiên đứng dưới chân thánh giá để đón lấy Lời trối của Chúa và sứ mạng cuối cùng Chúa trao phó: “Đây là con của bà” (c.26b). Từ đó, Mẹ tiếp tục yêu thương, chăm sóc và đồng hành với các tông đồ và với đoàn con cái của Mẹ trên khắp hoàn cầu.

Mẹ đã hoàn tất cuộc sống trên dương thế và được rước về trời cả hồn lẫn xác, được hưởng hạnh phúc viên mãn nơi Thiên Chúa, nhưng tấm lòng hiền mẫu của Mẹ vẫn dõi theo từng đứa con thơ trên thế gian này, đặc biệt là những ai đang đau khổ. Chính vì vậy, Mẹ đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục ban muôn vàn ơn lành cho những ai thành tâm đến bên Mẹ.

Nhìn lại dòng lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì tình yêu và sự chăm sóc của Mẹ dành cho tất cả chúng ta, cách riêng nơi những người con ưu tú hằng chạy đến kêu cầu Mẹ, tiêu biểu như thánh nữ Catherine Labouré[1], người đã được Mẹ trao sứ mạng phổ biến Ảnh Hay Làm Phép Lạ. Mẹ không hứa cho chị khỏi gặp đau khổ, nhưng Mẹ hứa sẽ đồng hành với Chị và giúp Chị vượt qua mọi khó khăn.

“Đây là Mẹ anh” (c.27b). Chúa Giêsu muốn từng người chúng ta rước Mẹ về nhà mình, vào cuộc đời của mình để tôn kính, mến yêu và noi gương các nhân đức của Mẹ. Chúa muốn chúng ta sống với Mẹ trong tâm tình hiếu thảo của một người con: chạy đến với Mẹ khi vui cũng như lúc buồn, khi bình an cũng như lúc gặp sóng gió.

Thông điệp về ngày lễ Đức Mẹ sầu bi không phải là thông điệp của u sầu buồn bã, nhưng là thông điệp của niềm vui và hy vọng: Mừng vui lên, lạy Mẹ sầu bi. Xưa kia cùng với Con yêu dấu, Mẹ thông phần đau khổ. Ngày nay Mẹ lại được cùng Chúa chung hưởng phúc vinh quang”[2].

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ, tôi bình tâm đón nhận những nghịch cảnh trong cuộc sống và kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu, để cầu nguyện cho mình và cho mọi người được ơn cứu độ.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã kết hợp những đau khổ của Mẹ với Chúa Giêsu để đem ơn cứu độ cho chúng con, xin cho chúng con cũng biết đón nhận những khổ đau trong cuộc sống với lòng tin yêu phó thác, biết kết hợp với Chúa Giêsu để được cùng sống với Chúa và Mẹ muôn đời.

 Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/711912283005289)

[1] https://gdanhducmebanon.org/cuoc-doi-thanh-nu-catherine-laboure
[2] Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *