fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

05.10.2020 – THỨ HAI TUẦN XXVII TN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,25-37)
“Thực thi lòng thương xót”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Với tôi, trở thành bác sĩ là niềm vinh dự, tôi có thể phục vụ bệnh nhân, giúp đỡ rất nhiều người. Tôi không hối tiếc.”[1] Đó là dòng tâm sự của bác sĩ Michael Robert (Indonesia) trước khi qua đời ngày 29.4 ở tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Điều đáng nói là Michael đã hy sinh một tình yêu nhỏ với người vợ sắp cưới, để dấn thân cho một tình yêu vĩ đại hơn.

Tình yêu luôn được minh chứng cụ thể bằng những hy sinh. Thiếu hy sinh, không thể có tình yêu thật. Quan trọng hơn nữa: chỉ ai có tình yêu thật mới được hưởng sự sống đời đời. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật đặt câu hỏi hôm nay: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (c.25).

Khi đặt câu hỏi ấy, chính người thông luật đã biết câu trả lời được ghi trong sách Luật, đó là sống tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, ông vẫn chưa vượt qua được não trạng phân biệt về “người thân cận” và “người xa lạ” hay “kẻ thù”. Chúa Giêsu đã dùng chính thực tế mối quan hệ giữa người Do thái và người Samari để nói rằng: tình yêu thật sự thì không còn phân biệt và khoảng cách. Bởi lẽ người bị rơi vào tay bọn cướp trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô” (c.30) là người Do thái. Thế nhưng, những bậc đạo cao đức trọng, lại là đồng bào với ông, khi thấy ông trong tình trạng cần được giúp đỡ, họ đều tránh qua bên kia mà đi” (cc.31-32). Còn người Samari thì không nhữngđộng lòng thương”, lại còn tới gần, băng bó vết thương cho nạn nhân bằng chính những thứ mà ông mang theo để sử dụng cho mình, rồi đặt nạn nhân lên lừa của mình và đưa về quán trọ săn sóc…

Tình yêu đích thực luôn chỉ nhìn thấy nhu cầu của người khác mà sẵn sàng gác lại hoặc thay đổi hành trình, dự tính của mình vì sự sống còn của tha nhân. Đó trước hết là tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã sống trước: Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa…[2] nhưng Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế… và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta.”[3] Chính Chúa Giêsu là “người Samari nhân hậu” đã hy sinh chính mình để chữa lành những thương tích do tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta được sống lại trong sự sống mới của ơn cứu độ.

Theo bước Chúa Giêsu, các tông đồ và biết bao người nam, người nữ đã hiến dâng trọn cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong Giáo Hội công giáo suốt hơn 2000 năm qua, như thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh nữ Louise de Marillac, thánh Têrêsa Calcutta, và còn biết bao người âm thầm hiến thân sống vì tha nhân đặc biệt là trong cơn đại dịch Covid-19 hiện nay.

Có thể nói: qua mọi thời đại, Mẹ Maria là người đã theo sát Chúa Giêsu hơn ai hết trong việc thực thi Lòng Thương Xót. Trong Phúc âm, chúng ta luôn thấy Mẹ chỉ sống cho Thiên Chúa và cho người khác. Ngay khi thưa lời “Xin vâng”, Mẹ đã sẵn sàng thay đổi tất cả chương trình và mọi dự tính cho cuộc đời mình, để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại. Ngoài việc chăm sóc và phục vụ Chúa Giêsu, Mẹ vẫn sẵn sàng giúp đỡ hết những ai cần đến Mẹ: chị Elizabeth, đôi bạn trẻ tại Cana, và trong suốt lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã hằng cứu giúp tất cả những ai chạy đến kêu cầu Mẹ.

Ðức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Ðức Bà bầu chữa kẻ có tội.
Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo.”[4]
Cầu cho chúng con.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Tập nhìn ra nhu cầu của người khác để giúp đỡ cách tận tình.
  • Sẵn sàng hy sinh thời giờ và sức khỏe khi phục vụ Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con dám dấn thân thực thi lòng thương xót đối với bất cứ ai cần được thương xót, như chính con đã được hưởng Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ đã dành cho con.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/726895144840336)

[1] https://tuoitre.vn/bac-si-tre-qua-doi-vi-covid-19-truoc-ngay-cuoi-20200429084234304.htm
[2] X. Pl 2,6-8
[3] Kinh tin kính.
[4] Kinh cầu Đức Bà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *