fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

08.01.2021 – THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

Lc 5,12-16
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Lc 5,12b)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Từ ngữ “giãn cách xã hội” đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta trong thời đại dịch Covid-19 này. Ai cũng hiểu lý do phải “giãn cách” và tránh tụ tập đông người hết sức có thể, để tránh lây lan dịch bệnh. Cũng thế, thời Cựu Ước, bệnh phong bị coi là căn bệnh ô uế. Sự “cách ly” đối với người bệnh phong bị xem như một hình thức loại trừ khỏi xã hội. Theo sách Lêvi, “người mắc bệnh phong phải buông tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!… nó phải ra riêng, chỗ của nó là một nơi bên ngoài trại.”[1] Người bị bệnh phong vừa đau đớn về thể xác, vừa buồn tủi về tinh thần. Vì vậy, khát vọng lớn nhất đối với họ là được sạch bệnh để có thể tái gia nhập xã hội.

Hẳn là Chúa Giêsu thấu biết nỗi khát khao của người “toàn thân bị bệnh phong” trong bài Tin Mừng hôm nay, và Chúa đã cho anh có cơ hội gặp Người, trong khi luật không cho phép tới gần. Khi nhận ra Đức Giêsu, ngay lập tức, anh sấp mặt xuống phủ phục – đây là cử chỉ của thụ tạo đối với Thiên Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Quả là một lời cầu nguyện đẹp, vì anh không xin theo ý mình; anh hoàn toàn phó thác và tùy thuộc vào ý muốn của Đức Giêsu.

Thái độ khiêm tốn và niềm tín thác của anh đã thật sự chạm đến trái tim vốn rất nhạy cảm của Chúa Giêsu. Trước mặt Người, anh là một người nghèo thật sự: bệnh tật, bị gạt ra bên lề xã hội, không dám xin được chữa khỏi bệnh, mà chọn điều Chúa muốn dành cho mình. Đó chính là tâm tình phó thác của trẻ thơ: hoàn toàn tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của người cha đối với mình… Không cầm lòng được, Đức Giêsu vừa chạm vào cái thân thể đầy thương tích của anh vừa nói: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (c.13) Sự đụng chạm đầy lòng thương xót của Đức Giêsu đã làm cho anh được sạch. Lời nói đi kèm với hành động của Đức Giêsu đưa ta đến với hình ảnh của một “Bí tích”, qua đó anh được ơn “tái sinh” và tái hòa nhập với cộng đồng.  

Cầu nguyện chính là xin Chúa thực hiện ý Chúa trên cuộc đời mình. Thế nhưng, đứng trước các đau khổ xác hồn, chúng ta thường cầu xin Chúa làm theo ý muốn của mình chứ không phó thác theo ý Chúa. Chỉ khi biết khiêm nhường phủ phục trước mặt Chúa, nhận biết Chúa là Đấng Tạo Hóa và tôi là thụ tạo của Ngài, đồng thời xác tín vào tình thương của Ngài; ta mới có được sự bình tâm phó thác để tùy thuộc vào Chúa. Thiên Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Tuy nhiên, “Ân sủng có vào những thời điểm của nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa và tránh lấn bước Ngài. [2] Vì thế, khiêm nhường, tín thác và năng lãnh nhận các bí tích là cách tốt nhất để ta nhận được ơn Chúa.

Khiêm nhường và tín thác cũng chính là thái độ và tâm tình của Mẹ Maria trước lời đề nghị của Thiên Chúa dành cho Mẹ trong ngày Truyền Tin. Mẹ thật sự là một người nghèo trước mặt Thiên Chúa: cả cuộc đời, thân xác, linh hồn, những dự tính riêng tư… Mẹ buông tất cả để chọn ý Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”[3] Niềm tín thác của Mẹ đã làm rung động trái tim của Thiên Chúa, và Người đã chạm đến Mẹ bằng Lời của Người để Lời ấy thành Con của Mẹ. Cũng chính Lời ấy đang tiếp tục chạm đến những thương tích của nhân loại hôm nay bằng tình yêu cứu độ của Người.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương mẹ, tôi sống tâm tình tín thác và thuận theo ý Chúa.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết cầu nguyện. Xin cho con được nhận biết Chúa sâu xa hơn, và biết mình rõ hơn, để con khiêm nhường, hạ mình trước mặt Chúa, tín thác vào tình thương và sự quan phòng của Chúa, xin Chúa làm cho con mọi sự theo ý Người.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/795958544600662)

 

[1] Lv 13,45-46.
[2] Thánh Vinh Sơn, Coste II, 453, L. 704 gửi Bernard Codoing
[3] Lc 1,38.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *