fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG –THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN

16.01.2021 – THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 2,13-17
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17c)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.[1] Lời mời gọi ấy được gửi tới tất cả mọi người, cách riêng với những ai nhận biết mình là kẻ tội lỗi. Hôm nay, Người lại tái xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (c.17) Thiên Chúa không muốn người tội lỗi phải chết. Ngài muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Ngài muốn chúng ta tin rằng chỉ có Người và một mình Người mới có thể cứu rỗi chúng ta. Đó chính là Tin Mừng về lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu mở đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng tại Galilê. Bờ biển hồ Galilê là nơi  được chọn cho cuộc gặp gỡ của Chúa với bốn môn đệ đầu tiên, là nơi lưu dấu những lời giảng dạy cũng như nhiều phép lạ của Chúa. Bốn môn đệ được Ngài mời gọi đi theo là những dân chài lam lũ và ít học, nhưng lại được vinh dự nghe Giáo lý mới mẻ của Ngài và chứng kiến phong cách giảng dạy có uy quyền của Ngài[2]. Hôm nay, Chúa “lại đi ra bờ biển hồ” (c.13), dân chúng tuôn đến với Người và Người dạy dỗ họ. Tuy nhiên, Người vẫn mải miết kiếm tìm…

Đây rồi! “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó” (c.14a).

Hóa ra, Người đi tìm một con người tội lỗi! Thật vậy, trong xã hội Do thái thời đó, người thu thuế bị coi là tội lỗi vì cộng tác với ngoại bang, và vì họ thường thu nhiều hơn mức ấn định để kiếm lợi. Do đó, họ bị xem như đồng hàng với “bọn đĩ điếm”, là thứ cặn bã của xã hội.

Thế mà Chúa đi tìm ông, Người thấy và gọi ông theo Người. Người đã thu nhận một kẻ tội lỗi công khai vào nhóm đệ tử thân tín của mình, điều mà chẳng ai muốn làm vì sợ “con sâu làm rầu nồi canh!” Đã thế, Người còn đến nhà ông, dùng bữa với ông và với các bạn bè cùng “tội lỗi công khai” như ông! Thật là không tưởng tượng được!

Đối với những kinh sư tự xem mình là công chính, thì việc Chúa Giêsu thu nhận Lêvi và dùng bữa với những người thu thuế là một tin buồn, một điều đáng tiếc. Nhưng đối với Lêvi và những người bạn của ông, thì đây lại đích thực là Tin Mừng! Bởi ông được giải thoát khỏi con đường tội lỗi, được nâng lên và được đón nhận vào hàng ngũ tông đồ. Chúa Giêsu đúng là Tin Mừng cho Lêvi!

Thật vậy, Ngài chính là Tin Mừng! Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa Tin Mừng này khi Ngài đến cư ngụ nơi lòng Mẹ, khiến Mẹ phải thốt lên: “…Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”[3]

Chính vì cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chính mình: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”, nên Mẹ cũng luôn cảm thông với những ai đau khổ buồn phiền, những người từng bị xã hội bỏ rơi hoặc lên án như gia đình hiếm muộn của ông bà Dacaria và Êlizabeth. Mẹ gần gũi và nói chuyện với những người giúp việc trong tiệc cưới Cana. Mẹ yêu thương các tội nhân cách đặc biệt và luôn chuyển cầu cho họ. Chúng ta vẫn kêu cầu Mẹ với tước hiệu “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội. Đức Bà yên ủi kẻ âu lo…”[4] vì Mẹ luôn từ bi thương xót, Mẹ hằng chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta và đưa chúng ta đến cùng Chúa.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tôi

  • Nhìn nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình và chân thành quay về với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải.
  • Khiêm tốn và cảm thông với những ai yếu đuối.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nghiệm được ánh mắt yêu thương của Chúa, để con cũng nhìn tha nhân với ánh mắt cảm thông, bao dung và tha thứ, vì chính con đã được Chúa thứ tha.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/800595394136977)

                                                                               

[1] Mc 1,15
[2] X. Mc 1, 27
[3] Kinh Magnificat
[4] Kinh Cầu Đức Bà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *