18.01.2021 – THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,18-22
“Rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2,22b)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngày nay, ăn chay không chỉ là một trong những việc đạo đức được đề cao trong nhiều tôn giáo, nhưng còn là một xu hướng phổ biến trong xã hội. Người ta ăn chay vì nhiều lý do và mục đích khác nhau, theo đó mà các hình thức ăn chay cũng khác nhau.[1] Nhìn chung, việc ăn chay cũng đem lại cho người thực hành chay tịnh những ích lợi về sức mạnh nội tâm (khả năng tự chủ, chế ngự các đam mê-dục vọng thấp hèn) và sức khỏe thể lý.
Thời Chúa Giêsu, việc giữ chay được lề luật quy định là một lần trong năm vào dịp lễ xá tội. Nhưng cũng có những người tự nguyện giữ chay “một tuần hai lần”[2], kèm theo những việc thực hành rất đạo đức. Gioan Tẩy Giả có thể là người sống chay tịnh nhiệm nhặt hơn cả, và các môn đệ của ông cũng vậy. Người Do Thái ăn chay như vậy để tỏ lòng sám hối, xin Thiên Chúa tha tội và gửi Đấng Thiên Sai đến giải thoát dân Người; nên thường thể hiện với vẻ mặt buồn rầu ủ rũ, than van khóc lóc. Trong khi đó, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người lại không thực hành chay tịnh như thế. Ngược lại, Người còn hay tiếp xúc và dùng bữa với những người bình dân, kể cả những người tội lỗi, khiến cho nhiều người thắc mắc: “Tại sao… môn đệ ông lại không ăn chay?”
Để trả lời, Chúa Giêsu nhắc lại mục đích chính của việc chay tịnh của họ là sám hối và mong đợi Đấng Thiên Sai. Thì đây, Ngài chính là Đấng Thiên Sai ấy. Ngài đến để hoàn tất lời Thiên Chúa đã hứa và thiết lập một cuộc hôn ước long trọng giữa Thiên Chúa và Dân của Người, như ngôn sứ Isaia đã nói về Giêrusalem: “Ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.”[3]
Đức Giêsu chính là Chàng Rể, các môn đệ của Ngài là phù rể, còn cô dâu là Israel, Dân được tuyển chọn. Tiệc cưới đã bắt đầu và hôn lễ đang được cử hành. Như thế, sự chay tịnh buồn bã không còn thích hợp nữa. Thay vào đó là tinh thần hân hoan, là niềm vui trong Thánh Thần. “Rượu mới phải đổ trong bầu da mới”.
“Rượu mới” nào đây? Đó là Tin Mừng Cứu Độ, được thể hiện nơi bản thân Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã mang đến những cái mới mà chúng ta đã chiêm ngắm trong tuần trước (tuần I thường niên): tạo tương quan gần gũi thân thiện, giảng dạy như Đấng có uy quyền, trừ quỉ, tha tội và chữa bệnh, tiếp đón kẻ sống bên lề xã hội và người tội lỗi…Tin Mừng này không thích hợp với những hình thức đạo đức cũ được nữa. Chính vì thế, các môn đệ của Chúa Kitô phải sử dụng “bầu da mới” là sống tinh thần chay tịnh bằng đời sống vui tươi vì có Chúa ở với, được Chúa yêu thương. Tình thương này làm cho họ hăng say “ra đi” loan truyền cho nhiều người khác bằng cuộc sống chân thật, bao dung tha thứ, nghĩ tốt và làm tốt cho người khác, như Chúa Giêsu đã và vẫn đang thực hiện.
Đức Maria xưa đã từng khát mong ơn cứu độ như mọi người Do thái. Chắc chắn Mẹ cũng đã thực hành chay tịnh, khổ chế rất nhiều. Thế nhưng, khi được biết Thiên Chúa đoái thương thực hiện Lời Hứa với Dân Người, Mẹ đã mở lòng đón nhận Tin Mừng Cứu Độ, và hòa nhập vào Niềm Vui của Dân Thánh qua bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Mẹ đã sống niềm vui Ơn Cứu Độ cho dù trải qua biết bao thách đố, gian nan. Sự chay tịnh của Mẹ không mang hình thức buồn sầu thảm não, nhưng là sống vui tươi, bác ái với tất cả mọi người; là đón nhận và thuận theo thánh ý Chúa qua những nghịch cảnh trong cuộc sống và sống mỗi biến cố với niềm tin-yêu, phó thác vào Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống chay tịnh trong tư tưởng, lời nói, việc làm: nói tốt, nghĩ tốt, làm tốt cho mọi người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Hiệp với Mẹ trong tâm tình của bài Magnificat:
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi…
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/801158917413958)
[1] https://phatgiao.org.vn/tong-hop-cac-truong-phai-an-chay-tren-the-gioi-d36420.html#
[2] Lc 18,12
[3] Is 62,4