fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG –THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN

19.01.2021 – THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 2,23-28

“Ngày Sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sabát…” (Mc 2,27).

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trên một chuyến tàu, cô soát vé đòi một người tàn tật phải đưa “giấy chứng nhận tàn tật” để làm đúng thủ tục, chứ không chấp nhận bàn chân tật nguyền thật sự của người ấy. Sự cứng nhắc theo luật lệ đã khiến cho những người chứng kiến câu chuyện cảm thấy bất bình, đến nỗi có người đã lên tiếng đòi cô ta cho xem “giấy chứng nhận là người” của cô, khiến cho cô “đuối lý” và người tàn tật không bị đuổi ra khỏi tàu.[1]

Bạn thân mến!!!

Sự vô cảm của cô soát vé ấy diễn tả phần nào thói “nệ luật” của những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ quan trọng việc giữ luật theo hình thức, chứ không quan tâm đến nội dung cốt lõi và mục đích của Lề Luật là thăng tiến và bảo vệ phẩm giá con người.

Chính vì thế, họ kết luận việc các môn đệ bứt lúa trong ngày Sa-bát là phạm đến luật Môsê. Họ “xé to” việc “bứt lúa bằng tay” thành “việc gặt lúa”, còn “vò xát lúa trong tay” được thổi phồng thành “xay lúa”…và quy kết thành tội. Quả thật là “thương thì củ ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo![2] Họ đã nhìn mọi việc của Chúa Giêsu và các môn đệ bằng cái nhìn xét nét và thiếu hẳn tình người.

Trong khi đó, Chúa Giêsu đưa họ trở về một “góc nhìn của tình yêu”, khi trưng dẫn câu chuyện của Đa-vít trong Kinh Thánh, để minh chứng rằng: mọi lề luật phải quy về việc phục vụ và thăng tiến con người. Thật vậy, trong thời kỳ đi trốn sự truy sát của vua Sa-un, có lần Đa-vít và các thuộc hạ của ông bị đói. Ông đã đến nhà Đức Chúa để xin lương thực. Nhưng hôm đó, người ta chỉ có một thứ bánh tiến – bánh dành riêng cho các tư tế chứ người thường không được phép ăn. Tuy nhiên, vì lúc khẩn cấp phải cứu đói, tư tế A-khi-me-léc đã cho Đa-vít và các thuộc hạ của ông ăn bánh tiến mà không bị quy kết là lỗi luật.[3]

Thiên Chúa luôn quý trọng con người, và thiết định các luật lệ để phục vụ và bảo vệ phẩm giá của con người. Chính vì thế, Chúa Giêsu kết luận: “Ngày Sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát” (cc.27-28).

Đối với các Kitô hữu, việc tuân giữ luật ngày Chúa nhật chính là biết dành thời giờ để thờ phượng Chúa, đồng thời biết quan tâm đến nhau trong tình bác ái và cũng dành thời giờ để nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả. Nhà bác học Ampère đã nói: “Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện.[4]” Chính khi “giữ ngày Chúa Nhật”, chúng ta ý thức và sống đúng phẩm giá là con người và con cái của Thiên Chúa. Ngược lại, khi ta viện lẽ ngày Chúa Nhật để từ chối giúp đỡ người hàng xóm đang bị bệnh nặng mà không người chăm sóc, thì thật sự ta đã lỗi đức ái đối với tha nhân và mất cơ hội gặp gỡ Chúa qua người bệnh này.

Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên đã tuân giữ mọi luật lệ của cha ông với tất cả lòng yêu mến. Tuy thế, khi đức bác ái đòi hỏi, Mẹ cũng luôn sẵn sàng uyển chuyển để vội vã lên đường đi thăm bà Êlizabeth. Chắc hẳn trong những ngày Mẹ trên đường từ Nazareth đến Ain-Karim, cũng có hôm là ngày Sa-bát, nhưng Mẹ vẫn “vội vã ra đi” vì chị Êlizabeth đang rất cần Mẹ. Rồi suốt những tháng ngày lưu lại đó, Mẹ vẫn chu toàn việc nội trợ và chăm sóc bà Êlizabeth với bé Gioan cả trong những ngày Sa-bát. Ngay tại Cana, khi Chúa Giêsu nói “giờ của tôi chưa đến”, nhưng vì bác ái với đôi tân hôn, Mẹ vẫn xin Chúa thay đổi kế hoạch của Người để cứu họ khỏi một vấn đề khó xử khi hết rượu giữa tiệc mừng, và cho niềm vui của họ được trọn vẹn.[5] 

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Theo bước Mẹ, tôi tuân giữ mọi luật lệ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết tuân giữ lề luật với tinh thần yêu mến, nhờ đó, con được làm người và làm con Chúa cách sung mãn hơn.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/802333433963173)                            

 

[1] https://mb.dkn.tv/doi-song/cho-toi-xem-giay-chung-nhan-lam-nguoi-co-soat-ve-xau-ho-vi-da-si-nhuc-nguoi-tan-tat.html
[2] Tục ngữ Việt Nam.
[3] 1Sm 21,2-7
[4] https://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau4/4phut063.htm
[5] X. Ga 2,1-11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *