fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG –THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN

20.01.2021 –  THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3,1-6

“Họ rình xem Đức Giê-su… để tố cáo Người.” (Mc 3,2)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong một tiết học có các giáo viên dự giờ, cô giáo giảng bài và tất cả mọi người trong phòng đều lắng nghe. Tuy nhiên, mỗi người nghe với mục đích khác nhau: Các học sinh nghe để tiếp thu kiến thức, trái lại, các giáo viên nghe để đánh giá ưu điểm hay khiếm khuyết trong bài giảng và cách truyền đạt của giáo viên.

Trong bài Tin Mừng cũng diễn ra một bối cảnh tương tự: vào ngày Sa-bát, “Đức Giê-su lại vào hội đường” (c.1). Có rất nhiều người đang mong mỏi lắng nghe Chúa giảng dạy, cũng có những người muốn xem Chúa làm phép lạ cho thỏa tính hiếu kỳ. Cả những người Pharisêu cũng có mặt và họ theo dõi Chúa rất kỹ, không phải vì ngưỡng mộ, nhưng là để tìm những sơ hở của Chúa để tố cáo và hãm hại Chúa.

Hôm ấy, có một người bại tay cũng đến nghe giảng. Những người Pharisêu coi luật nghỉ việc ngày Sa-bát là trên hết và không chấp nhận bất cứ ai làm việc, kể cả những việc tốt lành đến mấy đi nữa. Họ chăm chú thực thi Lề Luật của Chúa, nhưng lại không nhận biết ý Chúa và không tôn vinh Thiên Chúa. Thế nên “Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người.” (c.2)

Trong khi đó, Chúa Giêsu nhìn thấy người bại tay và động lòng thương. Ngài thấy nỗi khổ của anh và Ngài muốn chữa lành cho anh. Ngài chính là Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa đến giữa nhân loại. Thiên Chúa luôn muốn cho con người được sống và sống dồi dào. Chúa Giêsu chính là Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi sám hối và tin vào Ngài.[1] Nơi Chúa Giêsu, tình yêu, sự sống và quyền năng của Thiên Chúa được hội tụ để cứu chữa con người, làm cho con người được sống, được triển nở trong hạnh phúc, và đó là việc làm tôn vinh Thiên Chúa.

Chính vì thế, Chúa Giêsu gọi người bại tay ra đứng giữa Hội đường cho mọi người thấy, và công khai mời những người Pharisêu đối thoại trực tiếp với Ngài: “Ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (c.4).

Nhưng họ làm thinh, im lặng để “cố thủ” trong sự chai đá của mình, để phản đối một chân lý rành rành trước mắt, đó là được phép làm điều lành, được phép cứu người! Họ biết rằng nếu công nhận những gì Chúa Giêsu dạy trước mặt mọi người, thì cũng phải tin và làm theo những gì Ngài đòi hỏi. Như thế là đụng tới danh dự và quyền lợi của họ. Chúa Giêsu đã phải đau lòng, giận dữ vì sự cố chấp của họ. Dầu vậy, Ngài không để cho sự dữ thắng thế, Ngài vẫn cứu chữa người bệnh vì tình yêu lớn lao và lòng trắc ẩn của Ngài. Đây chính là cách thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Sa-bát. Kết quả là sau khi “ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.” (c.6)

Ước gì chúng ta có được cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Giêsu, có tấm lòng đầy cảm thông của Mẹ Maria, để hành động vì lợi ích của tha nhân và làm vinh danh Chúa. Mẹ Maria luôn tôn trọng và thực thi mọi điều Lề Luật dạy[2], nhưng Mẹ vẫn xin vâng lời sứ thần, chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa, dù biết rằng Mẹ sẽ có nguy cơ bị xử tử theo Luật, vì người Con ấy không phải là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Mẹ và thánh Giuse. Hiện diện trong tiệc cưới Cana, nhưng thay vì thưởng thức bữa tiệc, Mẹ lại âm thầm quan tâm tới nỗi lo hết rượu của chủ tiệc và ra tay tiếp cứu, giải nguy cho họ…

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi nhìn mọi người, mọi việc dưới nhãn quan của tình yêu và sự cảm thông, và hành động để tôn vinh Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho lòng con được nhạy bén với nỗi đau của tha nhân như Mẹ, để con luôn biết hành động theo quy luật tối thượng của tình yêu, và sẵn sàng cộng tác với Chúa trong việc hiến thân với phục vụ con người, trong âm thầm, vui tươi và khiêm tốn.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/802888867240963)

[1] X. Mc 1,15
[2] X. Lc 2,39

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *