fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI – LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI

25.01.2021 – 
LỄ KÍNH THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI

Mc 16,15-18
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)


CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sao-lê, một người trẻ rất đạo đức, lanh lợi và thông minh, nhiệt thành với tôn giáo của dân tộc. Lòng nhiệt thành khiến chàng không thể ngồi yên khi có một nhóm mới đang manh nha tách khỏi tôn giáo truyền thống, để tôn sùng một tên tử tội vừa bị các vị lãnh đạo kết án. Thế mà những kẻ ít học thuộc nhóm ấy cứ quả quyết là Người vẫn sống. Thật không thể chấp nhận được. Chàng Sao-lê quyết định phải hành động. Được phép của hội đồng kỳ mục, chàng đi lùng bắt những kẻ lạc giáo đó và trừng trị. Thế nhưng… Sau một cú ngã ngựa, mọi sự đảo ngược hoàn toàn. Sao-lê ấy, chính là thánh Phaolô tông đồ, vị Tông Đồ Dân Ngoại, và hôm nay Giáo Hội kính nhớ biến cố ngài được gặp gỡ Đức Giêsu trong lần ngã ngựa ấy.

Có thể nói: thánh Phaolô đã có một cuộc hoán cải tận căn và tin vào Tin Mừng. Sự hoán cải của ngài chính là thay đổi cách nhìn nhận về Chúa Giêsu, để nhận biết và tin vào Người. Phaolô đã xác tín Đức Giêsu là Tin Mừng cho chính mình, nên ngài đã không ngần ngại loan báo cho hết mọi người về Tin Mừng mà ngài đã lãnh nhận được. Phaolô đã thực thi cách xuất sắc lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ trước khi về trời: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (c.15).

Gần hai ngàn năm qua, nhờ các tông đồ và các nhà truyền giáo, hơn hai tỉ người trên khắp các châu lục đã được nhận biết Đức Ki-tô. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng chuẩn bị đón mừng năm trăm năm Lời Chúa được loan báo trên quê hương thân yêu (1533-2033). Tuy nhiên, vẫn còn hàng tỉ người trên thế giới chưa được đón nhận ánh sáng Phúc Âm, nên chúng ta phải tiếp tục truyền giáo, vì Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo.[1]

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhắc đến “một Giáo hội lên đường”, vì nếu không loan báo Tin Mừng và không lên đường thì Giáo Hội sẽ không còn là Giáo Hội nữa, mà sẽ trở thành một hiệp đoàn tâm linh, một tổ chức đa quốc gia nhằm đưa ra những phát kiến và những thông điệp mang tính đạo đức và tôn giáo.[2]

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật một mặt giúp việc truyền giáo trở nên thuận tiện hơn, nhưng mặt khác lại dễ đưa con người tới một cuộc sống hưởng thụ, thực dụng và nhiều hệ lụy khác như luôn bận rộn, ồn ào, rất khó dành được những giây phút thinh lặng bên Chúa. Do đó, việc truyền giáo gặp rất nhiều khó khăn từ phía kẻ gieo những như người nhận. Làm sao người Kitô hữu thi hành sứ vụ truyền giáo của mình đây? Chúng ta xác tín Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và ban ơn cho mỗi người trên hành trình này. Khi sống bí tích thanh tẩy là ta thực thi chức năng làm Ngôn sứ. Lời chúc bình an và sai đi cuối mỗi thánh lễ nhắc nhở chúng ta đem Chúa đến cho mọi người trong môi trường gia đình, xóm làng và nơi ta làm việc qua cung cách sống bác ái, trung thực của ta.

Mảnh đất Israel xưa cũng in biết bao dấu chân của nhà truyền giáo mang tên Maria. Cuộc đời của Mẹ là những hành trình cùng với Đức Giê-su, con của Mẹ. Mẹ không thuyết trình nhiều lời, nhưng bằng sự hiện diện âm thầm và để cho người khác nhận ra Chúa Giêsu: nơi nhà bà Êlizabeth, nơi Belem, nơi Đền thờ, tại Cana…[3] Như thế, điều quan trọng nhất của sứ vụ loan báo Tin mừng là mang lấy Đức Giê-su vào lòng và đem Ngài đến với mọi người.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống khiêm nhường, đơn sơ và bác ái, để mọi người nhận ra Chúa qua sự hiện diện âm thầm và tử tế của tôi.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, lệnh truyền giáo của Chúa luôn thúc bách con phải lên đường. Xin Mẹ kéo con ra khỏi sự ù lì và yên ổn sẵn có, để dấn bước đem Chúa đến với tha nhân như Mẹ. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/805907350272448 )

[1] Sắc lệnh Ad Gentes, 2
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/20-cau-tra-loi-cua-duc-thanh-cha-phanxico-ve-truyen-giao-40830 

[3] X. Lc 1,39-45; 2,15-20.25-38; Ga 2,1-11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *